PN - Lal Singh, một nông dân ở làng Mohanpura, bang Madhya Pradesh miền trung Ấn Độ, gần như rơi vào tuyệt vọng khi những cơn mưa trái mùa và mưa đá phá hủy hết vụ mùa này đến vụ mùa khác của ông, trong khi nợ nần ngày càng chồng chất.
Hai anh em Sumit và Amit được giải cứu sau khi bị cha mình bán để trả nợ - Ảnh: Reuters
Cuối cùng, tháng Tám năm ngoái, khi gia đình không còn gì để sống, ông đã phải đi đến một quyết định đau lòng: bán 2 đứa con trai của mình cho một người chăn cừu trong một năm để đổi lấy 35.000 rupi (khoảng hơn 500USD), dù biết điều đó vừa trái luật vừa có thể đẩy các con ông vào khổ cực. “Tôi không biết làm cách nào khác, tôi phải trả nợ và lo cái ăn gia đình, còn phải chuẩn bị cho vụ mùa tới nữa”, ông than thở.
Những đứa trẻ bị bán
Theo thông tin từ chính quyền huyện Harda, nơi vừa giải cứu 5 trẻ em khỏi cảnh lao động cưỡng bức ngay trong tháng Tư vừa qua, tất cả bọn trẻ đều đến từ Harda và Khargone. Môt quan chức chính quyền cho biết, còn rất nhiều trường hợp những người nông dân buộc phải bán con mình như ông Singh. “Nông dân phải bán con để trả nợ là một vấn đề rất nhức nhối. Chúng tôi không cho phép trẻ em bị áp bức và buôn bán như vậy”, vị này nói.
Tám tháng sau khi bị bán, những đứa trẻ nhà ông Singh may mắn được giải cứu cùng với 3 đứa trẻ khác. Hai anh em, Sumit, 12, và Amit, 11 tuổi, ban đầu thậm chí còn không dám về nhà vì sợ cơn giận của cha mình.
Amit kể lại với phóng viên Reuters: “Công việc của chúng cháu là chăn cừu và các gia súc khác. Ông chủ thường đánh đập kể cả vì những lỗi nhỏ nhặt nhất. Chúng cháu thậm chí chẳng được ăn đủ 2 bữa một ngày. Đến khi không chịu nổi nữa, chúng cháu bàn nhau bỏ trốn”. Chính quyền đã mở cuộc điều tra vụ mua bán này. Người mua 5 đứa trẻ đã bị bắt và đang chờ ngày ra tòa.
Theo Vishnu Jaiswal, giám đốc chi nhánh Harda của tổ chức từ thiện Childline, người của tổ chức này và của chính phủ sẽ đến thăm gia đình các em để đảm bảo chúng được chăm sóc tốt sau khi trở về. Giải thích về lý do bán con, mẹ của Sumit và Amit, bà Manibai cho biết: “Chúng tôi biết làm thế là sai nhưng không còn cách nào để sống. Nếu không, như nhiều người khác, chúng tôi cũng đến phải tự vẫn mất”.
Tự tử vì nợ nần
Mất mùa liên tục do thời tiết thay đổi bất thường khiến cho những nông dân như ông Singh không chỉ phải bán con, nhiều ngừơi còn tìm đến giải pháp tiêu cực nhất: tự tử. Tỉ lệ nông dân tự sát vì mất mùa nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt chưa từng thấy đang trở nên đáng báo động tại nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ.
Theo thống kê của chính phủ, Madhya Pradesh là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 570.000 hecta cây lương thực mất trắng do mưa đá và mưa trái mùa. Chỉ riêng tại bang này đã có khoảng 40 người đã chết do lo buồn nên đổ bệnh hoặc tự sát trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay.
Phản ứng của chính quyền
Bộ trưởng Nông nghiệp bang Madhya Pradesh, ông Gauri Shankar Bisen nói: “Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ cho nông dân càng sớm càng tốt”.
Một cánh đồng lúa mì ở Ấn Độ bị mưa tàn phá - Ảnh: Getty Images
Chính quyền các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã thông báo gói hỗ trợ cho nông dân, nhưng công tác cứu trợ diễn ra quá chậm do nhà chức trách đang phải xác định thiệt hại tại những khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng cũng khiến cho những hỗ trợ đến với nông dân giảm đi đáng kể. Một nhà hoạt động đánh giá rằng số tiền hỗ trợ còn lâu mới đủ cho nông dân trang trải những món nợ của mình.
Ông Bisen cho biết, chính quyền đang nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ cho nông dân. Ông nói:” Chúng tôi đang làm hết sức để những khoản cứu trợ đến tay nông dân một cách nhanh nhất, nhưng cũng có những thủ tục bắt buộc. Chúng tôi cũng sẽ điều tra những tố cáo đối với các quan chức tham nhũng”.
Do không thể vay tiền từ ngân hàng, nông dân buộc phải đi vay ngoài với mức lãi suất cắt cổ. Và các nhà hoạt động cho rằng nếu chính qyền không nhanh chóng hỗ trợ, sẽ có thêm nhiều nông dân buộc phải bán con mình như ông Singh.
“Nông dân tuyệt vọng lắm rồi”, Sachin Jain nói, “Đó là lý do tại sao họ buộc phải hành động một cách cực đoan như vậy”.
DƯƠNG BÍCH LIÊN
(Theo Trust)
Ấn Độ, mất mùa, bán con