Thế giới quanh ta

Nước cờ mềm mại của Iran

PN - Iran sẽ có nữ đại sứ đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở nước này. Bà Marzieh Afkham (53 tuổi), người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao sẽ nhận nhiệm vụ tại một quốc gia Đông Á.

Iran từng có nữ đại sứ Mehrangiz Dolatshahi tại Đan Mạch năm 1976. Và gần bốn thập kỷ sau mới có một gương mặt phụ nữ được chọn vào vị trí đại diện cho Iran ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự giao thoa của thế giới Hồi giáo với thực tế cần những phụ nữ năng động, giỏi giang để phụng sự quốc gia.

Bà Marzieh Afkham không phải gương mặt xa lạ với người dân Iran. Tháng 9/2013, khi được chọn là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, bà ra mắt trên cương vị mới với trang phục truyền thống: áo choàng đen chador. Một phụ nữ bước ra trước công chúng, giữ hình ảnh và tiếng nói của quốc gia là điều không tưởng với nhiều người còn mang suy nghĩ phụ nữ là cấp thấp sau nam giới ở Iran. Bà Marzieh Afkham khi ấy đã thắp lên hy vọng, để người dân thêm tin tưởng vào những gì mà Tổng thống Hassan Rouhani cam kết. Trong lễ nhậm chức của bà Marzieh, Ngoại trưởng Mohammad-Javad Zarif đã trích câu thơ ý nghĩa: “Chúng ta nên đón chào những điều mới mẻ và cảm nhận sự khác biệt”, bày tỏ sự ủng hộ đối với gương mặt hứa hẹn mang lại sắc màu mới trong dải màu đậm chất Hồi giáo mà phụ nữ luôn bị đặt vào mảng màu trầm.

Nhiều chính trị gia nhận định tích cực về bà Marzieh Afkham. Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà đã theo đuổi ngành ngoại giao và từng bước được tin tưởng, chọn vào vị trí trợ lý của nhiều quan chức Bộ Ngoại giao. Khi ông Hassan Rouhani chạy đua cho chiếc ghế tổng thống, bà là gương mặt nữ được chú ý nhiều nhất vì giữ được hình ảnh truyền thống của phụ nữ Iran nhưng đáp ứng được những tiêu chuẩn của một chính trị gia: thông minh, khiêm tốn, khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ. Cùng với phong cách tự tin và điêu luyện, bà là nhân tố đắc lực của Bộ Ngoại giao Iran trong bối cảnh nước này chịu nhiều áp lực từ nhiều cường quốc liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Hiện phụ nữ Iran ra nước ngoài phải được sự đồng ý của chồng hoặc người bảo trợ pháp lý (cha, anh…). Việc lựa chọn bà Marzieh là một phép thử trong bối cảnh Iran muốn thay đổi hình ảnh của mình. Chính quyền Iran cũng đang xem xét nhiều chính sách liên quan đến phụ nữ, tạo cơ hội hơn cho những chị em độc thân (vốn là điều xưa nay không được thế giới Hồi giáo ủng hộ).

Từ khi nhậm chức vào tháng 6/2013, Tổng thống Hassan đã kêu gọi các bộ, ngành tạo điều kiện để nữ giới khẳng định khả năng và ưu tiên chọn những gương mặt nữ vào vị trí trọng yếu. Ngày 12/8/2013, Tổng thống Hassan đã bổ nhiệm bà Elham Aminzadeh làm Phó tổng thống phụ trách các vấn đề pháp lý. Mới đây, trước Quốc hội Iran, Tổng thống Hassan đã thẳng thắn chỉ trích các cảnh sát theo đạo Hồi đã nặng tay với phụ nữ để lộ mái tóc trong trang phục hijab kín đáo.

Con đường tiến đến bình đẳng giới ở Iran không dễ dàng. Dư luận từng nhiều lần phản đối quy định cấm phụ nữ đi theo nam giới đến sân vận động. Đơn cử là vụ chính quyền giam giữ công dân mang hai quốc tịch Iran và Anh, Ghoncheh Ghavami (26 tuổi) tháng 6/2014 vì đã cố vào sân thi đấu để theo dõi một trận bóng chuyền. Mãi đến đầu tháng này, Iran mới cho biết sẽ cho người hâm mộ tham dự các trận thi đấu thể thao lớn. Điều rất bình thường ở các nước khác này phải được Hội đồng an ninh quốc gia Iran thông qua.

So với các quốc gia Hồi giáo khác, phụ nữ Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kể như được phép lái xe, được quyền buôn bán nhà cửa, làm chủ cửa tiệm buôn và đặc biệt là được giữ các chức vụ cao trong chính quyền. Hiện phụ nữ chiếm 35% lực lượng công chức tại các công sở, 25% lực lượng công nhân. Họ luôn có mơ ước cháy bỏng: thay đổi lối mòn từ những quy định khắt khe của thế giới Hồi giáo.

 ANH THÔNG
(Theo Guardian, CNN)

www.phunuonline.com.vn

Iran, bình đẳng giới, nữ đại sứ, Hồi giáo, phụ nữ


© 2021 FAP
  323,489       1/389