Thế giới quanh ta

Học từ thực tế

PN - Không bó buộc trong những giáo án quen thuộc, chương trình giáo dục cho trẻ em ở các nước trên thế giới cố gắng giúp học sinh dung nạp thêm những sắc màu mới từ thực tế cuộc sống.


Học sinh ở Úc thực hành theo chương trình “Kids Teaching Kids” - Ảnh: ABC.net.au

Trong 15 năm qua, chương trình “Kids Teaching Kids” (Trẻ dạy trẻ) của Úc dần khẳng định được hiệu quả, với hơn 80.000 học sinh (HS) tham gia dự án này. Riêng trong năm nay, số HS theo học là 13.000 em. “Trẻ dạy trẻ” nhằm định hướng cho các em thái độ sống chủ động và tích cực bảo vệ môi trường. Thông qua quá trình tự tìm hiểu về môi trường sống và các mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên với thực tế, HS tự đúc kết kinh nghiệm và cách nhìn nhận riêng cho mình, từ đó tìm ra các phương án cải thiện môi trường sống. Dự án khuyến khích HS đưa ra ý tưởng đơn giản và hiệu quả. Tất cả “bài học” nghiệm thu sẽ được chính các em truyền đạt và chia sẻ cho bạn học của mình. Do đó, kiến thức mà HS thu hoạch vừa sống động, vừa cập nhật liên tục.

Năm 2006, Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Dự án môi trường nổi bật cho “Trẻ dạy trẻ”. Đáng chú ý, đây là chương trình hoàn toàn miễn phí. HS có thể ứng dụng mô hình “Trẻ dạy trẻ” ở bất cứ đâu, trong trường lớp hoặc câu lạc bộ mà các em sinh hoạt.

Hiện một số nước như Mỹ, New Zealand và Hàn Quốc đã áp dụng phương pháp “Trẻ dạy trẻ” cho trường học cũng như chương trình mang tính xã hội của mình. Đặc biệt, khi kế thừa, các nơi không bó hẹp “Trẻ dạy trẻ” trong lĩnh vực môi trường, mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như dinh dưỡng, khoa học, công nghệ, văn hóa… Ở Mỹ, các bệnh viện nhi kết hợp cùng “Trẻ dạy trẻ” để chuyển tải thông điệp “ăn uống thông minh” giúp giảm tỷ lệ trẻ béo phì. Những “chuyên gia nhí” sẽ hướng dẫn các bạn của mình cách lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, cách nấu những món đơn giản…

Chuyên gia môi trường Arron Wood, người sáng lập ra “Trẻ dạy trẻ” chia sẻ: “Muốn thay đổi thế giới, chúng ta cần chú trọng đến thế hệ mầm non. Đây là thế hệ luôn hào hứng tìm tòi, khám phá và chia sẻ. Các em dễ bị ảnh hưởng từ bạn cùng trang lứa nên một trong những người thầy tốt nhất của trẻ chính là bạn của chúng”. Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá rất cao chương trình này vì nó giúp HS phát huy khả năng tư duy, học cách cảm nhận và giao tiếp. Đây là cách học mở, không có đúng hay sai, thay vào đó, trẻ chủ động chọn lọc kiến thức.

Ở Anh, từ năm học này, các trường học đưa vào chương trình giảng dạy toán một nội dung mới là “thông minh tài chính”. HS được tìm hiểu những khái niệm tài chính từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo cấp lớp và độ tuổi. Giáo dục tài chính được xem là một nội dung cần thiết ở Anh, nhất là trong bối cảnh người dân nước này đang phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, với thực tế giá cả đắt đỏ, sinh hoạt phí cao.

Nhiều nhà toán học ở Anh ủng hộ chương trình giáo dục tài chính cho HS, bằng cách cùng bắt tay xây dựng những bài giảng toán gắn liền với sử dụng, quản lý đồng tiền.

Tổ chức xã hội “MyBnk” (trụ sở ở London, Anh) về giáo dục tài chính mới đây cũng phát triển trò chơi Money Marathin cho HS lớp 2. Trò chơi này có kết cấu như ba bài học, với thời lượng 30 phút/bài, gồm những câu đố vui liên quan đến hoạt động tài chính để các em dễ tiếp thu. Qua đó, trẻ em sẽ hiểu khái niệm cơ bản về vay vốn, lãi suất, nợ… cũng như biết tiết kiệm, phân chia gói tài chính sao cho hợp lý, quan sát việc sinh lãi từ tiền tiết kiệm.

THIÊN ANH (Theo ABC.net.au, Daily Mail)

www.phunuonline.com.vn

Kids Teaching Kids, Australia, New Zealand, MyBnk, Money Marathin


© 2021 FAP
  325,620       2/750