PN - Ngày 6/8 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu tất cả thực phẩm từ Hoa Kỳ, cũng như trái cây và rau từ châu Âu,
Nga là nước nhập khẩu gia cầm lớn thứ hai của Mỹ, là khách hàng lớn nhất của châu Âu về rau quả -Ảnh: Fotolia /Christophe Fouquin
Cụ thể, hành động trả đũa của Nga nhắm vào: Mỹ (thịt, gia cầm), Canada (thực phẩm, thức ăn sẵn, dầu ăn), Úc (thịt bò), Áo (cao su thô, hóa chất, đồ uống, thuốc lá), Bỉ (thực phẩm, trái cây, rau), Bulgaria (rượu vang, trái cây, các loại hạt), Síp (trái cây có múi, cá tươi và đông lạnh), Cộng hòa Czech (trái cây, rau, đồ uống), Đan Mạch (sữa, trứng gia cầm, mật ong, thịt, cá), Phần Lan (sữa và sản phẩm thịt, cà phê, trà, lúa mì, thủy sản, rau quả), Pháp (các sản phẩm động vật, hóa chất), Italia (thực phẩm, rượu vang, trái cây), Hà Lan (sữa, trứng, hoa và sản phẩm ngũ cốc và động vật sống), Tây Ban Nha (thịt đông lạnh, trái cây, dầu ô liu)…
Điều này chắc chắn là “đòn đau” với người tiêu dùng trong nước, vốn ưa chuộng hàng nhập khẩu giá rẻ, cũng như gây thiệt hại đến các nhà sản xuất nông sản ở phương Tây lâu nay coi Nga là thị trường chính. Hiện Nga vẫn là khách hàng lớn nhất đối với trái cây, rau củ châu Âu, đồng thời là nước nhập khẩu gia cầm lớn thứ hai của Mỹ.
Năm ngoái, Nga nhập khẩu 43 tỷ USD hàng hóa thực phẩm. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), năm 2011, Nga mua đến 28% trị giá trái cây xuất khẩu và 21,5% trị giá rau xuất khẩu của EU.
Thực phẩm phương Tây chiếm lĩnh các quầy hàng ở Nga - Ảnh: RIA Novosti
Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2013, Nga là khách hàng gia cầm lớn thứ hai của Mỹ, sau Mexico, chiếm 8% thịt gà xuất khẩu của Mỹ.
Phương Tây ngày càng quyết liệt trong các biện pháp trừng phạt Moscow. Trong khi đó, EU, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã lên danh sách trừng phạt đối với các công ty, ngân hàng của Nga, đóng băng tài khoản ngân hàng một số chính trị gia, cấm nhập cảnh và từ chối mua hàng hóa của Nga. Kể từ tháng Ba, EU đã áp đặt tổng cộng chín đợt cấm vận, hai trong số đó nhắm vào các nhà lãnh đạo cũ của Ukraine và bảy đợt chống lại Nga, trong khi Washington đã thông qua tổng cộng sáu đợt cấm vận chống Nga.
Quyết định cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước áp đặt trừng phạt đối với Moscow “sẽ có tác động tiêu cực” đối với Hà Lan và các nền kinh tế của EU, Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp và trồng trọt Hà Lan (LTO) ông Albert Jan Maat khẳng định. Ông nhấn mạnh, Liên đoàn ủng hộ chính sách của chính phủ, tuy nhiên nhà chức trách Hà Lan nên thực hiện các bước giảm thiểu hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế đất nước, sau khi có lệnh cấm của Nga.
Để duy trì ổn định nguồn hàng trong nước, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu, nhà chức trách Nga đã chìa bàn tay qua bên kia bán cầu, tìm sự liên kết mới với các nhà sản xuất thịt ở Argentina. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Argentina Miguel Schiariti hôm 7/8 cho biết: “Argentina luôn quan tâm đến thị trường Nga, chỉ có một thực tế đáng buồn là chính phủ áp đặt những hạn chế xuất khẩu”.
THANH HẢI
(Theo RIA Novosti, Reuters, AFP)
Ukraine, Nga, EU, Mỹ, lệnh trừng phạt, nhập khẩu, thịt, rau