PN - Lần đầu tiên, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM triển khai kỹ thuật cấy chỉ vào các huyệt của cơ thể để hỗ trợ điều trị các bệnh: tự kỷ, bại não, căng cơ, viêm mũi, mất ngủ…
Bác sĩ đang cấy chỉ cho bệnh nhi bị bại não
“Còn nước còn tát”
Khu điều trị của Viện được xây riêng hai phòng cấy chỉ khang trang với đội ngũ 29 bác sĩ (BS). Bệnh nhân (BN) đầu tiên “xông đất” là chị N.K.T. (30 tuổi, nhà ở TP.HCM). Chị kể: “Ba-bốn năm nay, tôi mất ngủ liên tục. Tối nào cũng tập “nhắm mắt” sớm nhưng giấc ngủ rất chập chờn, ngủ không sâu, ngủ rồi cứ như chưa ngủ”.
Trong lúc chị T. trò chuyện, ê kíp BS cấy chỉ đã sẵn sàng. Cô phụ tá dùng kéo gắp những dụng cụ y tế từ thùng vô trùng ra, còn BS Trần Ngọc Minh Chuyên tranh thủ cắt chỉ thành từng đoạn dài 1-2cm, rồi đưa khéo léo vào ruột kim tiêm. BS Huỳnh Thanh Ân bắt đầu tiêm vào các vị trí huyệt. E ngại BN sợ đau, các BS vừa tiêm chỉ, vừa động viên: "Cấy chỉ để cô giáo bớt bần thần, lo lắng nhé!". Rồi, BS Ân nhẹ nhàng tiêm mũi kim để đưa đoạn chỉ mảnh bằng cọng tóc vào huyệt vị. Sau khoảng năm-bảy phút, các BS đã vùi dưới da bệnh nhân (BN) khoảng tám đoạn chỉ ở hai chân, lưng, gáy, hai tay. Chị T. ra về, hẹn hai tuần nữa quay lại.
Dứt ca bệnh đầu tiên, các BS vội vàng chuyển qua phòng số 2 đang có BN H.T.T. (60 tuổi, nhà ở Q.Tân Bình) đợi cấy chỉ chữa bệnh viêm mũi. Bà T. cho biết vào những lúc chuyển mùa, bà hay bị hắt hơi, chảy mũi tái đi tái lại nên tìm đến Đông y và quyết định để BS cấy chỉ với hy vọng giảm hoặc dứt hẳn bệnh mà không phải sử dụng thuốc Tây liên tục. Sau năm phút vùi chỉ dưới da, bà T. được dặn dò trong vòng sáu giờ không được tắm để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt, có BN nam V.M.A. (26 tuổi) bay từ Hà Nội vào để được cấy chỉ. BN này bị căng cơ do chơi bóng đá, bóng chuyền quá sức và không đúng tư thế.
Bên cạnh những BN đến điều trị vì muốn thử phương pháp mới thì cũng có những BN đến vì đã rơi vào đường cùng của bệnh tật. Ngày cuối tuần, bé Ph.V.Th.A. bị bại não từ nhỏ được ông bà nội và mẹ đẩy xe lăn đến cấy chỉ. Bé 14 tuổi nhưng thân hình nhỏ thó giống trẻ mới lên 10, bà nội của bé rầu rĩ: “Chỗ nào cũng chạy hết rồi. Cháu đã tập vật lý trị liệu nhiều năm liên tục ở hai BV nhi đồng TP.HCM, rồi đưa về quê Tiền Giang điều trị ở BV tỉnh, thuê người xoa bóp mỗi ngày; thậm chí gia đình còn chạy ra tận Quảng Bình… Vậy mà, bao nhiêu trẻ bại não khác đi đứng được, nhưng cháu vẫn chưa thể!”.
Cũng áp dụng "liệu pháp tâm lý", BS vừa hỏi chuyện cậu bé, vừa nhẹ nhàng đưa đoạn chỉ đầu tiên vào vùng đầu. A. mãi nghe chuyện BS và mẹ nói, quên đau, còn cười tươi và giơ hai cẳng chân bắt tréo, biểu lộ sự mắc cỡ khi mẹ khen "đẹp trai". Đứng ôm con, mẹ bé A. cho biết thêm: “Tất cả những cảm xúc bé đều nhận thức và biểu hiện được hết; thậm chí còn dùng chân lướt điện thoại để chơi game, biết đếm số…, nhưng khả năng đi đứng, ăn uống còn phải phụ thuộc nên gia đình cố gắng chạy chữa khắp nơi”.
Bác sĩ đang cấy chỉ cho bệnh nhân
Chỉ sẽ tự tiêu sau hai tuần
Cấy chỉ là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1960; một số nước châu Âu cũng đã ứng dụng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được chuyển giao cho một BV phía Nam. BS Ân giải thích: Đây là một dạng châm cứu bằng phương pháp mới dựa trên việc phối hợp của tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau: chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ. Loại chỉ đưa vào cơ thể người bệnh là chỉ catgut - một loại chỉ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, sẽ tự tiêu trong vòng 10-15 ngày.
BS sẽ đưa chỉ catgut vào huyệt châm cứu, có tác dụng làm tăng protein, carbonhydrate, tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ. Nhờ có sự kích thích liên tục ở huyệt vị mà tuần hoàn máu được cải thiện ở vùng được cấy chỉ hoặc vùng liệt của BN, giúp tăng trương lực các sợi cơ để duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu.
Việc này có thể hỗ trợ cho trẻ bại não kích thích được các nhóm cơ bị co cứng, còn trẻ tự kỷ có thể tạo ra các phản xạ ở não bộ…
Hiện Viện Y dược học dân tộc TP.HCM có hai loại kim và hai loại chỉ với kích cỡ khác nhau. Tùy vào vị trí vùng đầu mặt hay vùng chân tay, thân mình hoặc lứa tuổi mà BS sẽ cho dùng kim và chỉ có kích cỡ lớn hay nhỏ. Với loại kim và chỉ có kích cỡ lớn, BN sẽ đau, chảy máu nhiều hơn nhưng thời gian cấy chỉ lần tiếp theo sẽ lâu hơn, thường sau 20-25 ngày. Nếu dùng loại kim và chỉ nhỏ, người bệnh sẽ ít đau, ít chảy máu hơn nhưng thời gian cấy chỉ lần kế tiếp sẽ sớm đến hơn, thường sau 10-15 ngày kể từ lần cấy chỉ trước đó.
Theo các BS, kỹ thuật cấy chỉ dùng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như: viêm xoang, thoái hóa cột sống cổ, thắt lưng, khớp gối, đau lưng cấp, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh dời leo, viêm dạ dày, viêm mũi dị ứng. Những người mắc bệnh này sau bốn-sáu lần cấy chỉ sẽ đạt hiệu quả tốt.
Riêng những bệnh lý khác như: tự kỷ, bại não, hen suyễn thì phải cấy chỉ nhiều lần hơn và mang tính hỗ trợ. Trước khi đi cấy chỉ, BN phải tắm sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng; đồng thời nên ăn uống đầy đủ. Phụ nữ có thai hoặc người bị tăng huyết áp, người bệnh đang sốt cao, người suy kiệt nặng hoặc có bệnh lý chống chỉ định với châm cứu… sẽ không được cấy chỉ.
VĂN THANH
Cấy chỉ, hỗ trợ điều trị, điều trị tự kỷ, bại não