Gần 20% dân số thành thị là người di cư, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tỷ lệ di cư cao nhất nước, chiếm 19%.
Sáng 16/12, Tổng cục Thống kê công bố kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015, dựa trên khảo sát hơn 18.000 hộ dân tại 20 tỉnh, thành phố.
Theo Tổng cục Thống kê, trong vòng 5 năm qua, có khoảng 12,4 triệu người trong tổng dân số 91 triệu dân - chiếm khoảng 13% tổng số người di cư trong nước. Những người di cư trong nhóm trẻ (từ 15 đến 39 tuổi) chiếm 84% so với tổng số, cao hơn cuộc điều tra năm 2014 là 79%. Tỷ lệ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đạt 31%, cho thấy nhiều người trẻ tới thành thị nơi có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học hoặc làm việc.
![]() |
Người di cư làm việc trong các khu công nghiệp thường phải làm nhiều giờ, ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Ảnh: Xuân Hoa |
Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất cả nước, chiếm 19% và đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18%. Tây Nguyên là vùng có người chuyển đi ít nhất, chiếm 5,6%.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi người di cư đến làm việc cao nhất cả nước, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc.
Nhiều người di cư cho biết họ hài lòng với hoàn cảnh sống vì được tách khỏi gia đình, có cuộc sống ở đô thị, trình độ được nâng cao, song 42% số người cho biết có khó khăn về chỗ ở, ngoài ra họ gặp nhiều khó khăn khác như thời gian làm việc dài, đời sống tinh thần hạn chế...
Theo PGS Lưu Bích Ngọc, Viện dân số và các vấn đề xã hội, yếu tố thay đổi môi trường là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc di cư. Nắng nóng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hay tác động môi trường tại Bắc Trung Bộ đã gây khó khăn cho người dân nuôi trồng thủy hải sản, khiến người dân di cư đến nơi khác làm ăn.
"Mặt trái của di cư là thiếu nhân lực ở các khu vực xuất cư, người già phải lao động đồng áng, con cái của người di cư muốn sống gần bố mẹ không được, đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại", bà Lưu Bích Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, cần có chính sách ưu tiên người di cư để tạo bình đẳng về mọi mặt, để tạo di cư bền vững vì đây là cách phân bố lại lao động, tăng năng xuất lao động, để giải quyết điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay.
Bắc Trung Bộ, người di cư, cao nhất nước, thống kê