Sau vẻ ngoài nhỏ gọn của ngôi nhà là một không gian rất thoáng rộng, các phòng nhiều ánh sáng.
Nằm trong con hẻm gần trung tâm thành phố Đà Lạt, nơi ở giản dị của một gia đình 3 thành viên gợi nhớ về những ngôi nhà có gác xép trước đây. Chủ nhà vốn là người Bắc vào sống ở Đà Lạt từ năm 1994. Sau đó, anh chị chuyển lên Sài Gòn rồi trở lại Đà Lạt để định cư vào năm 2016.
"Ngay lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, chúng tôi đã ước mơ xây dựng một nơi ở yên bình giữa thung lũng", chủ nhà chia sẻ. KTS chủ trì Nguyễn Anh Tuấn cùng các cộng sự (A+ Studi.O) cũng mong muốn mọi người cảm nhận sự bình yên, nhẹ nhàng khi ghé thăm nơi này.
Công trình có 2 tầng nhưng nhìn từ bên ngoài có cảm giác giống như nhà một tầng với phòng áp mái nhỏ nhắn. Mái nhà gồm ba lớp: tôn, mút xốp cách nhiệt, thạch cao, vừa cản nắng nóng vừa bảo vệ công trình dưới tác động của gió xoáy nơi thung lũng.
Nhà xây trên khoảng đất rộng 200 m2, hình dạng không cân đối, có nhiều góc không vuông vắn. Một nửa khu đất để làm sân vườn bao quanh, giúp gia chủ có thể mở rộng cửa đón nắng gió. Không gian chung chiếm tỷ lệ lớn trong ngôi nhà, giúp mọi người gắn kết hơn.
Tầng một rộng 92 m2 với phòng khách, bếp ăn, 2 phòng ngủ, 2 WC.
Các kiến trúc sư bố trí nhà đảm bảo ba yếu tố: Các khu chức năng có sự kết nối mộc mạc, giữ nhiệt cho ngôi nhà mùa gió lạnh và tránh nắng hướng tây vào mùa hè.
Nhà mở ở những hướng có gió mát, đóng ở nơi nắng gắt. Cây xanh được trồng ngoài sân và giữa nhà đem lại màu xanh mát mẻ và lọc không khí.
Khoảng thông tầng giữa nhà, cách bố trí không gian mở tạo sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
Trên tầng 2 có phòng thờ, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, thư viện, sân, WC.
Tầng một: 1. Sảnh vào; 2. Phòng ăn; 3. Bếp; 4. Phòng ngủ; 5. WC; 6. Vườn trong nhà; 7. Khu giặt phơi; 8. Kho; 9. Vườn; 10. Chỗ để xe máy; 11. Nơi ở của chó; 12. Chỗ để ôtô.