Vợ chồng tôi kết hôn được 7 năm và có một cháu trai 5 tuổi. Trước kia, cô ấy làm vị trí quản lý nhỏ trong một công ty kiểm toán, lương thưởng rất cao.
Không chịu được áp lực công việc, vợ tôi đã xin nghỉ việc, ở nhà được 3 tháng nay. Hiểu khó khăn của vợ nên tôi để cô ấy thoải mái làm những việc mình thích.
Đầu tuần trước, cô ấy bàn bạc với tôi về việc theo học một ngành khác, và có thể xin làm một công việc nào đó để có thời gian học tập. Cô ấy năm nay 36 tuổi, trước kia cô ấy là người rất năng động. Hiện giờ cô ấy cũng chưa xác định sẽ theo học ngành nào.
Tôi rất băn khoăn về mong muốn của vợ, nhưng sợ cô ấy buồn nên chưa dám chia sẻ nhiều. Lương tháng tôi ổn định nhưng để cáng đáng thêm phần học phí của cô ấy quả thật khó khăn. Trước đây, hai vợ chồng cùng đi làm nên có dư chút đỉnh trả góp tiền mua nhà. Giờ đây thu chi trong nhà chỉ dựa vào đồng lương của tôi, tôi không biết sắp tới sẽ như thế nào. Tôi rất lo lắng nhưng không biết chia sẻ cách gì với vợ. Xin cho tôi lời khuyên. Tôi cảm ơn. (Hưng)
Ảnh: expertbeacon |
Trả lời
Điều anh lo lắng chắc không dừng lại ở khó khăn về tài chính mà tình cảm vợ chồng cũng sẽ bị ảnh hưởng khi phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống. Hi vọng, cô ấy hiểu lòng anh để cùng nhau bàn tính.
Chuyển việc, bắt đầu lại mọi thứ không phải là chuyện đơn giản. Chúng sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn, trước hết là vấn đề tài chính, dù có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì chuyện lễ nghĩa, nhà cửa, ốm đau… cũng khó bề xoay sở. Khoản học phí nhiều hay ít chưa biết nhưng chi phí phát sinh là điều khó tránh khỏi. Áp lực tiền bạc sẽ khiến cả hai căng thẳng, đôi khi phát sinh mâu thuẫn khó hàn gắn.
Cô ấy đã từng nắm giữ vị trí quan trọng, nay lại từ bỏ vì áp lực thì tâm thế tiếp cận một ngành nghề mới e rằng không phải vì đam mê mà chỉ là giải pháp tình thế. Vợ anh sẽ khó lòng tập trung để hoàn thành chương trình đào tạo. Thêm vào đó, ở độ tuổi hiện tại, khả năng tiếp thu, nhạy bén chắc chắn không bằng lớp trẻ, liệu cô ấy có thất vọng với bản thân? Cơ hội việc làm cũng không rộng mở khi tuổi tác của cô ấy có thể khiến nhà tuyển dụng e ngại. Càng lo lắng hơn khi hiện tại vợ anh vẫn chưa thể xác định ngành học mong muốn cho thấy sự mất định hướng, bế tắc.
Không rõ anh đã chia sẻ với vợ mình đến đâu nhưng khách quan mà đánh giá, việc theo học một ngành nghề trong tương lai sẽ mất nhiều hơn được. Anh có thể trao đổi với cô ấy dựa vào những gợi ý trên để lắng nghe thêm ý kiến của vợ.
Nếu cô ấy vẫn kiên quyết ý mình mặc anh can ngăn, anh đừng quá căng thẳng mà phản ứng gay gắt. Anh hãy cùng cô ấy tính toán thật kỹ lưỡng, chi tiết về mọi điều để cô ấy không hiểu lầm thiện chí từ phía anh.
Bản thân vợ không quen với sự phụ thuộc nơi anh, tính toán của cô ấy cũng cho thấy vợ anh là người biết vun vén hạnh phúc. Anh hãy động viên và chia sẻ với cô ấy nhiều hơn để hòa khí trong gia đình được tốt đẹp. Sau thời gian nghỉ ngơi, anh nên khuyến khích cô ấy ứng tuyển vào vị trí tương tự tại một đơn vị khác hoặc chuyển sang hướng kinh doanh nếu cô ấy yêu thích. Cô ấy rất cần anh cùng đồng hành để có những quyết định đúng đắn.
Chúc anh bình an.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thúy Hằng
Đoàn tâm lý SUNNYCARE
U40, chuyển việc, vợ muốn chuyển việc, kinh tế khó khăn