Bạn không phải vay nợ ai trước kỳ nhận lương không có nghĩa là bạn đã biết cách quản lý tiền của mình.
Tất cả chúng ta đều sử dụng tiền, nhưng có người làm tốt và có người làm dở. Nếu bạn nghĩ rằng mình quản lý tài chính cá nhân rất tốt, hãy xem xét những liệt kê của Business Insider dưới đây, có thể thực tế không hoàn mỹ như bạn tưởng.
Ảnh: savingadvice. |
1. Bạn không biết chính xác mình kiếm được và tiêu bao nhiêu
Nếu bạn không biết có bao nhiêu tiền ra vào tài khoản ngân hàng của mình mỗi tháng, bạn đang đưa mình vào tình thế có thể bội chi hoặc mắc nợ.
Giải pháp: Ghi chép lại các khoản thu và chi. Bạn có thể sử dụng nhiều ứng dụng có sẵn cho điện thoại, một file Excel hoặc chỉ một cái bút và cuốn sổ. Biết mình có bao nhiêu tiền sẽ giúp bạn duy trì cuộc sống ổn định. Bạn cũng biết được mình có thể tiết kiệm hay chi tiêu những gì.
2. Bạn luôn có một khoản nợ do sử dụng thẻ tín dụng
Không giống như các khoản nợ tốt, bắt nguồn do việc đầu tư cho tương lai, đây chính là nợ xấu với đặc điểm cơ bản là lãi suất cao, không giúp bạn tích lũy tài sản, giàu có.
Giải pháp: Nên ưu tiên trả các khoản nợ tín dụng, vì lãi suất cao dễ khiến khoản nợ vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn.
3. Bạn giật mình với các hóa đơn mỗi tháng
Nếu bạn sống bằng lương và làm chỉ đủ tiêu, bạn sẽ giải quyết như thế nào nếu có một hóa đơn phát sinh (ví dụ, một lần đi chữa bệnh, một cuộc picnic cùng bạn bè cuối tuần).
Giải pháp: Có hai cách để giải quyết vấn đề: kiếm nhiều tiền hơn hoặc chi tiêu ít đi. Nếu bạn chọn cách một, hãy cố gắng để được tăng lương hoặc tìm việc làm thêm. Nếu bạn chọn cách hai, hãy xem xét giảm những khoản chi tiêu lớn, ví dụ tiền thuê nhà, chi phí đi lại hoặc giảm chi tiêu hàng ngày.
4. Bạn đau đầu vì tiền
Cảm thấy khó khăn về tiền và tội lỗi khi mua sắm chính là mặt trái của việc sống bằng đồng lương.
Giải pháp: Nếu bạn buồn phiền vì tiền tức là có cái gì không đúng ở đây. Hãy chỉ ra chính xác điều gì khiến bạn căng thẳng (bạn không đủ tiền để trang trải các hóa đơn, bạn không có đủ tiền để làm một cái gì đó cho vui hàng tháng, bạn lo lắng rằng mình sẽ phải làm việc cả đời vì không tiết kiệm đủ tiền cho về hưu...). Sau đó, hãy hành động để xua tan nỗi sợ đó. Bỏ thêm 1% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm có thể không hoàn toàn giải quyết được vấn đề nhưng còn hơn là không làm gì.
5. Bạn e sợ khi nghĩ đến đầu tư
Đầu tư có tiềm năng hơn hẳn so với gửi tiết kiệm truyền thống.
Giải pháp: Tỷ phú Warren Buffet cũng gợi ý nên đổ tiền vào những quỹ đầu tư có chi phí thấp và có dịch vụ trực tuyến, có thể quản lý dòng tiền ra vào hàng ngày.
6. Bạn cảm thấy mình có thứ gì cần phải giấu
Nếu bạn e ngại ai đó có thể tìm ra sự thật về tình hình tài chính của bạn, rõ ràng có điều gì sai sai ở đây. Sự thật này không phải là điều gì bất chính hay bất hợp pháp. Đó có thể là việc bạn không đủ khả năng để mua chiếc xe mà bạn đang đi, bạn chỉ đủ tiền sống qua ngày, bạn không có tiền tiết kiệm, bạn đang nợ tiền mua nhà...
Giải pháp: Chắc chắn rồi cũng có người sẽ phát hiện ra sự thật, và việc bạn có người giúp đỡ để cải thiện tình hình tài chính cũng là rất tốt. Đừng ngần ngại, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty, chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp.
Hoàng Anh
tài chính cá nhân, quản lý tài chính