Xây nhà riêng để tránh sự ồn ào khi ở chung cư, chị Phương vẫn phải chịu ô nhiễm tiếng ồn khi ở nhà mới tự xây, vì chủ quan không làm cách âm tốt.
Chị Phương quyết định chuyển khỏi khu chung cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) vì không thể chịu nổi sự ồn ào từ hàng xóm liền kề, từ tầng trên vọng xuống. Chị xây một ngôi nhà rộng 60 m2 có sân vườn 16 m2 bao quanh nên yên tâm sẽ không còn bị ám ảnh bởi tiếng động của các nhà xung quanh.
Khi xem mặt bằng thấy xung quanh có nhiều quán nhậu, kiến trúc sư đề nghị làm tường cách âm, cửa kính dày. Tuy nhiên, chị Phương thấy không cần thiết vì bao quanh nhà đã có vườn cây. Chị muốn dành tiền đầu tư cho các tiện ích hàng ngày hơn. Ngôi nhà mang phong cách hiện đại, có nhiều thiết bị sang trọng khiến ai tới chơi cũng phải trầm trồ.
Đêm đầu tiên về nhà mới, gia đình chị Phương đã trải qua những cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Vợ chồng chị không dám mở cửa dù Hà Nội vào thu đang mát mẻ. Ngay cả khi mọi cánh cửa đều đóng, tiếng ầm ỹ từ các quán nhậu vẫn dội vào khiến cả nhà phải thức tới 12h đêm mới ngủ được.
Sau một tháng, chị Phương không thể chịu đựng thêm nữa mà phải nhờ thợ tới gia cố thêm các biện pháp chống ồn. Nhà cửa đang đẹp bỗng trở nên bày bừa, chi phí đội lên nhưng sự ầm ỹ cũng chỉ đỡ phần nào.
Anh Hùng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chịu nỗi khổ vì không quan tâm đúng tới việc làm cách âm. Vốn là người yêu công nghệ và âm nhạc, anh đầu tư nhiều tiền cho giàn loa nhưng từ khi về nhà mới, các thiết bị của anh bị bỏ xó. Dù anh cẩn thận làm tường 220 mm, cửa kính hai lớp nhưng mỗi khi anh bật nhạc, tổ trưởng dân phố lại sang góp ý, còn đem ra bàn ở cuộc họp của cả khu.
Gạch hoa trên mặt đứng vừa làm đẹp nhà vừa ngăn bớt bụi bặm, ồn ào từ bên ngoài vọng vào. |
Để tránh rơi vào tình trạng sự đã rồi như hai chủ nhà trên, KTS Đức Anh chia sẻ, chủ nhà cần phải quan tâm làm chống ồn ngay từ khi mới xây dựng, nếu không muốn tốn kém, mệt mỏi. Bạn cần khảo sát kỹ khu vực xung quanh nhà trước khi lựa chọn các giải pháp, vật liệu phù hợp để đảm bảo hiệu quả mà không tốn kém. Với trường hợp nhà chị Phương, KTS khuyên chị nên thay cửa kính nhiều lớp, trồng thêm cây cao quanh nhà. Trong khi đó, anh Hùng nhất định phải tham khảo chuyên gia để lắp đặt một phòng nghe nhạc đúng chuẩn.
Các chủ nhà có thể tham khảo các giải pháp giúp nhà yên tĩnh như sau:
Cách âm cho cửa
Khi bạn ra vào, cửa là nơi âm thanh truyền qua nhiều nhất. Khi cửa đóng, tiếng động vẫn vọng vào do có phần khe giữa cánh cửa và khuôn, sàn nhà. Cấu tạo cửa thường không đủ dày: Cửa gỗ thông thường chỉ dày 4 cm, cửa kính nội bộ trong nhà thường dày trung bình 5-8 mm.
Các loại cửa làm từ vật liệu mới như cửa nhựa lõi thép, cửa nhôm có gioăng khít hơn hẳn cửa gỗ truyền thống ở yếu tố này. Người dùng cũng có thể lựa chọn cửa kính hộp để tăng khả năng cách âm. Kính hộp gồm 2-3 lớp kính đặt cố định song song với nhau, ở giữa bơm khí trơ. Tuy nhiên, giải pháp này có giá thành khá cao.
Kiểu cửa kính hộp giúp cách âm hiệu quả nhưng chi phí tốn kém. |
Cách âm cho tường
Tường chiếm nhiều diện tích nhất trong các bề mặt của ngôi nhà. Vì vậy, ngoài cách âm cho cửa, vấn đề cách âm cho tường cũng rất quan trọng. Để cách âm từ bên ngoài, bạn nên xây tường đôi (220 mm) bằng gạch rỗng. Bên trong nhà, nếu cần thiết có thể ốp thêm một lớp cách âm. Giải pháp phổ biến là vách thạch cao chèn vật liệu cách âm ở giữa như bông thủy tinh, xốp, mút.
Trong phòng phải xử lý tiêu âm bằng các bề mặt không phẳng, mềm như vách trang trí lồi lõm, vách đục lỗ, màn nhung... Ở giếng trời nên dùng các vật liệu nhám bề mặt để tiêu âm như gạch trần, đá tự nhiên, sơn gai. Mặt đứng công trình sử dụng các loại gạch hoa rỗng, hay trồng cây xanh cũng góp phần ngăn tiếng ồn.
Cách âm cho sàn
Hầu hết sàn nhà phố và chung cư có kết cấu bê tông cốt thép khó thay đổi. Vì thế, vật liệu lát sàn (phủ trên bề mặt bê tông) đóng vai trò quyết định trong việc cách âm. Các loại vật liệu mềm, xốp, nhiều lớp như sàn gỗ có hệ xương, có lớp lót, thảm… góp phần cách âm.
Trên thị trường còn có gạch mát lát sàn có thể cách âm cho sàn hiệu quả. Loại gạch này được cấu tạo bởi lớp PU ở giữa và hai lớp bề mặt bằng giấy xi măng hoặc giấy nhôm có kết cấu đặc biệt. Vật liệu này cũng có thể sử dụng ốp tường, phủ mái do khả năng chống ẩm, thấm và lực mạnh gây biến dạng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Cây xanh trên mặt đứng ngăn bớt tiếng ồn. |
Cách âm cho trần
Tiếng ồn ở ngoài không gian cũng có thể đi qua trần nhà. Ở chung cư, vấn đề tiếng ồn do căn hộ tầng trên gây ra rất phổ biến. Giải pháp đơn giản và tiết kiệm là sử dụng trần thạch cao. Ngoài ra, chủ nhà có thể sử dụng trần nhôm, trần gỗ.
Với nhà phố, nếu là mái dốc nên sử dụng tôn mát, tấm lợp 3 lớp cách âm, cách nhiệt. Mái lấy sáng nên sử dụng mái kính, không nên dùng tấm nhựa thông minh hay tôn sáng vì các loại vật liệu này rất ồn khi mưa. Với những phòng cần cách âm ra ngoài như phòng karaoke, chiếu phim, nghe nhạc gia đình, chủ nhà nên xử lý trần để tiêu âm, như tạo khe, ô lồi lõm, đục lỗ, sơn sần.
Hà Thành
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, sửa chữa nhà của bạn tại đây.
Cách âm, giải pháp thiết kế, nhà yên tĩnh