"Chỗ của đời con không phải là ở trong bếp, để được danh tiếng đảm đang..., mà là trên thế giới, những cung đường, những chuyến đi", anh Ngọc viết.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Trương Anh Ngọc, trưởng Cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam ở Italia, về lý do anh khích lệ con gái 13 tuổi luôn học hỏi những gì mình thích và sống với đam mê mà không cần hợp với bất cứ khuôn mẫu nào:
Có lần, mình được một người phụ nữ hỏi rằng, vợ chồng mình cho con gái học nhiều như thế để làm gì, vì "con gái đâu cần phải học nhiều" như cô ấy lý luận. Mình không đáp lại câu nói này, nghĩ rằng, cô ấy - một người Việt cũng sống ở nước ngoài, có vẻ đã in sẵn trong đầu một định kiến về người phụ nữ Việt: thế giới của phụ nữ là trong 4 bức tường gia đình, là căn bếp, là chăm sóc chồng con. Như thế mới là đảm đang, mới là phụ nữ.
Con gái mình học nhiều không phải bởi nhà mình ép học mà vì nó muốn học, trong một ngôi trường quốc tế có các cô giáo và bạn bè mà nó yêu mến. Đấy là những cô giáo luôn luôn khuyến khích và động viên bọn trẻ trên con đường tri thức và nghệ thuật, là những đứa bạn đến từ các nước trên thế giới và nhiều trong số chúng nghĩ rằng, hãy trân trọng những tháng ngày bên nhau ở trường, bởi sau một vài năm, chúng lại theo bố mẹ đến những nước khác, trong nhiệm kỳ công việc của họ, giống như mình.
Anh Trương Anh Ngọc. Ảnh: NVCC. |
Con mình đam mê hội họa, âm nhạc và kịch nghệ. Con đăng ký học đàn piano, violin, hát. Nó tham gia lớp kịch của cô chủ nhiệm. Ngày thứ bảy, con không phải ở nhà mà ở bể bơi để tham gia các trận đấu của đội bóng nước (waterpolo) tại một trung tâm thể thao. Con không cảm thấy mệt mỏi. Gia đình cũng không hề cảm thấy sức ép từ việc con học ở lớp và các môn ngoại khóa. Con không mệt mỏi bởi có đam mê và đặc biệt là bởi có một tư duy sống rất cởi mở và hiện đại.
Những người sống trong một thế giới đóng kín làm sao có thể hiểu được thế giới rộng lớn bên ngoài là như thế nào, nếu không cởi mở hơn, tiếp nhận những cái mới mẻ và văn minh? Và như thế, làm sao hiểu được một người phụ nữ hiện đại, ở một xã hội văn minh, sống và tư duy ra sao?
Con ạ, con hãy học để hiểu rằng, chỗ của đời con không phải là ở trong bếp, rằng người phụ nữ không đồng nghĩa với chỉ bếp núc, ngày nào cũng cắm mặt vào việc làm lụng nấu nướng, trông con mọn, để được người đời ca ngợi là đảm đang. Hãy học để không rơi vào những tư duy cũ kỹ, lạc hậu, bảo thủ kìm hãm sự phát triển của người phụ nữ, nơi mà người ta chỉ coi phụ nữ là cái máy giặt, máy rửa bát, máy nấu ăn, máy quét nhà, máy đẻ. Học để trở thành một người hiện đại, tiến bộ và luôn ngẩng cao đầu trong một thế giới văn minh.
Con không được sinh ra để tư duy rằng, đến một độ tuổi nào đó, con phải lấy chồng, phải sinh con và bằng cách đó, con làm hài lòng cha mẹ. Con không thể như nhiều người khác, tự chấm dứt cuộc sống và đam mê, mơ ước của mình bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông. Bố mẹ không bao giờ hỏi con (trực tiếp hoặc gián tiếp) về chuyện chồng con, cũng không bao giờ chấp nhận việc người khác hỏi con, dù nửa đùa nửa thật, về điều đó.
Chỗ của con là trên thế giới, là những cung đường, những chuyến đi, những khám phá trên con đường tri thức và nghệ thuật, từ đó làm giàu vốn sống, kiến thức và tâm hồn con, sao cho cuộc sống con đang sống không bị uổng phí và vô vị vì tự đóng mình trong những tư tưởng cũ kỹ mà người đời nói chung và người đàn ông nói riêng áp đặt lên người phụ nữ. Trên những con đường ấy, con sẽ gặp những người sau đó có thể làm con vui hoặc con buồn, những người có thể để lại những dấu ấn lớn lao hoặc nhạt nhòa trong đời con, nhưng đấy là cuộc sống này. Và rồi tự con sẽ hiểu cuộc sống là gì.
Con hãy học để tự tin bước ra cuộc đời ngoài kia, để hiểu rằng khi trưởng thành, con sẽ có một thế giới trước mặt và hãy chinh phục nó theo cách con muốn, con lựa chọn. Sự đam mê với tri thức và nghệ thuật là một sự đam mê đáng được khích lệ và bố mẹ đã luôn khích lệ điều đó, để với tri thức, con ra thế giới. Con học không phải để trở thành thiên tài, mà học để trở thành một người tốt, người tử tế, người có ích cho bản thân con và mọi người. Hãy học để kiếm tìm hạnh phúc dưới bất cứ dạng thức nào có thể, và hạnh phúc của con cũng chính là niềm vui của bố mẹ. Con hãy học để thành người.
Trương Anh Ngọc
nuôi dạy con gái, Trương Anh Ngọc, sinh con gái