Nhiều cô gái học vấn cao, thu nhập tốt cho rằng lấy chồng không phải là con đường duy nhất khiến họ hạnh phúc.
Bà Liu Zhenfeng kết hôn lúc 25 tuổi rồi có con gái, mua nhà, sắm đồ... Con gái bà, Song Zongpei, hiện 28 tuổi, lại đi theo con đường khác. Cô thuê một căn hộ chung với 2 người bạn tại Bắc Kinh và tập trung vào sự nghiệp, kiếm tiền. Cô không coi hôn nhân hay sinh con là mục tiêu trước mắt. "Tại giai đoạn này, điều quan trọng nhất với tôi là phát triển bản thân", Song nói.
Cheng Guping, 30 tuổi, ở Hàng Châu, Trung Quốc, đang khởi nghiệp một công ty và theo đuổi bằng tiến sĩ về kinh tế. Cô nói, việc theo đuổi sự nghiệp và học vấn là một nguyên nhân khiến cô và bạn trai chia tay. "Tôi cảm thấy tình cảm giữa hai đứa chưa đủ. Tôi muốn xem bản thân mình có thể tiến xa tới đâu", cô chia sẻ.
Wu Jingjing, 29 tuổi, tại một nhà hát tại Bắc Kinh. Cô gái độc thân này nói rằng nhiều người trẻ ngày nay không còn muốn chỉ lấy chồng cho xong nghĩa vụ mà cần xây đắp mối quan hệ dựa trên tình yêu thực sự. Ảnh: The New York Times. |
Cô cho rằng, thực sự khó tìm một người bạn đời phù hợp. Với cô, nhiều nam giới cùng tuổi vẫn "chưa chín chắn hay thiếu trách nhiệm". Nhắc tới một người bạn trai cũ, Cheng kể: "Khi chúng tôi muốn làm điều gì đó hay đi ăn, anh ấy chỉ thích thỏ thẻ dễ thương và nói những câu như: 'Chúng mình làm bất cứ thứ gì em thích'. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình như một người đàn ông".
Theo The New York Times, ngày càng ít người Trung Quốc kết hôn và sự thay đổi đó có ý nghĩa sâu sắc tới đời sống kinh tế và xã hội nước này. Sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn có nghĩa là số trẻ chào đời sẽ ít đi, tiềm năng chi tiêu cho gia đình, đồ gia dụng và các thứ liên quan khác cũng giảm sút.
Một số doanh nghiệp đã nhắm tới đối tượng độc thân. Các công ty trang sức đưa ra những sản phẩm giá rẻ hơn cho các đôi chưa kết hôn. Thị trường đồ gia dụng cũng giới thiệu nồi cơm điện loại nhỏ. Dịch vụ hỗ trợ sinh sản mời chào phụ nữ đông lạnh trứng để sau này sinh con - điều trước đây vốn là cấm kỵ với các cô gái độc thân.
Nhưng việc giảm tỷ lệ kết hôn cũng có mặt tốt. Nó cũng bắt nguồn từ việc tăng số phụ nữ có trình độ giáo dục cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, xã hội học nói rằng một số phụ nữ trì hoãn kết hôn để xây dựng sự nghiệp và tích lũy tài chính, truyền động lực để các chị em khác không còn coi hôn nhân là con đường duy nhất cho đời mình.
"Vì có trình độ cao, họ có thu nhập tốt nên không có nhu cầu cần kết hôn để được bao bọc", Zhang Xiaobo, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết.
Cuối năm ngoái, 12 triệu đôi Trung Quốc đã đăng ký kết hôn. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ này giảm. Trong khi đó, số đôi ly hôn lên tới 3,8 triệu vào năm ngoái, gấp hơn hai lần một thập kỷ trước.
Một phần lý do của việc giảm tỷ lệ kết hôn là hệ quả từ chính sách một con ở Trung Quốc. Chính thức chấm dứt vào tháng một năm nay sau 35 năm thực hiện, chính sách này đã làm giảm tỷ lệ sinh đáng kể. Hệ quả là, số người ở lứa 20-29 tuổi - độ tuổi kết hôn chính - cũng giảm hẳn. Hơn nữa, vì nhiều gia đình thích con trai, Trung Quốc đang thừa đàn ông và điều đó khiến việc kết hôn càng trở nên nan giải.
Những điều này khiến nhiều gia đình quay trở lại một tập tục vốn đã phai mờ dần là hôn nhân sắp đặt. Lo ngại thế hệ sau kết hôn muộn hay không kết hôn, nhiều bố mẹ lại can thiệp sâu vào việc tìm kiếm bạn đời cho con.
Bà Liu, mẹ của chị Song, đồng ý rằng con gái mình nên đợi gặp người phù hợp mới cưới nhưng bà vẫn hy vọng con sẽ sớm tìm được chồng. "Tôi muốn con có cuộc sống hạnh phúc và tôi nghĩ với phụ nữ lập gia đình sẽ an toàn hơn", bà Liu nói.
Tại các gia đình Trung Quốc, sự thay đổi này cũng làm dấy lên những câu hỏi về sự gắn bó gia đình và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Trước đây, các đôi vợ chồng ở Trung Quốc theo truyền thống sẽ chăm sóc bố mẹ già. Wu Jingjing, 29 tuổi, đã nhìn thấy gánh nặng mà thế hệ cô có thể phải mang. "Một nhóm người có thể sẽ cảm thấy bị quá tải lúc bước vào tuổi trung niên khi vừa phải nuôi dạy con cái vừa chăm sóc cha mẹ mình. Chỉ 10-20 năm nữa thôi tôi sẽ ở vị trí đó", cô Wu nói.
Còn mẹ Wu lại lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc con gái mình nếu cô không kết hôn. "Bây giờ vợ chồng tôi vẫn chăm lo cho con nhưng chúng tôi chẳng thể sống mãi được. Chúng tôi hy vọng con gái sẽ tìm được một người chăm sóc cho mình để bố mẹ già có thể cảm thấy an tâm", bà Zhai Lipping, 53 tuổi, nói.
Hiện tại, Wu độc thân và nói rằng cô sẽ quyết tâm đợi tới khi gặp được người phù hợp mới cưới.
"Nhìn lại các thế hệ trước, nhiều đôi gặp nhau là do mối lái, có rất ít người có mối quan hệ tự do dựa trên tình yêu. Bây giờ, nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi không chấp nhận cách sống đó và muốn tìm một người thực sự hợp với mình", cô nói.
Vương Linh
lấy chồng, kết hôn, Trung Quốc