Cạnh tranh với bạn bè và muốn thể hiện đẳng cấp, nhiều người bạo tay chi tiền cho con mẫu giáo học làm lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo CRI News, nhiều danh nghiệp Trung Quốc đang xây dựng các chương trình đào tạo với những tên gọi như "Khóa học cưỡi ngựa hoàng gia cho trẻ nhỏ" và "Trại hè môn đánh golf cho các bé"... Mục tiêu hướng tới tầng lớp trung lưu, một khóa học ở Quảng Châu tên là "học làm CEO" được dành cho trẻ nhỏ từ 3 tuổi với lịch học 2 buổi một tuần, phí 50.000 nhân dân tệ (khoảng gần 167 triệu đồng) hằng năm.
Nhiều trẻ em Trung Quốc tham gia vào các lớp học để thành công trong kinh doanh. Ảnh: Shanghaiist. |
Một báo cáo của Global Times cho thấy các bài trong khóa học làm CEO này bao gồm những hoạt động thành lập, lãnh đạo công ty kiểu như "điền từ còn thiếu vào chỗ trống trong câu và xếp gạch đồ chơi" trong một lớp khoảng 3-8 học sinh, do một giáo viên phụ trách. Các hoạt động này được thiết kế để giúp trẻ trở thành "những người lãnh đạo có tính cạnh tranh cao, đầy quyền lực".
Nhưng làm sao trở thành CEO được nếu không biết chơi golf? Với lý do này, một câu lạc bộ chơi golf ở Quảng Châu đã cung cấp khóa đào tạo cơ bản 5 ngày cho trẻ trên 3 tuổi, giá 1.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3,3 triệu đồng) mỗi ngày, chưa kể chỗ nghỉ ngơi. Nếu bố mẹ đăng ký cho con vào lớp học golf một tháng, chi phí sẽ là 20.000 nhân dân tệ (khoảng gần 70 triệu đồng). Số tiền này gấp 3 lần mức lương trung bình mỗi tháng ở Quảng Châu.
Tờ SCMP đưa tin, lý do đằng sau xu hướng chi bạo tiền cho con kiểu này hầu hết do áp lực cạnh tranh của phụ huynh. Một bà mẹ chi 8.800 nhân dân tệ (khoảng 29,4 triệu đồng) để con gái 2 tuổi học một khóa tiếng Anh, giải thích, bạn bè chị cũng cho con tham gia các lớp học này và chị không muốn con gái mình thua bạn.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cho con học các lớp đắt đỏ chủ yếu vì khoe mẽ chứ không hẳn vì lợi ích của trẻ. Ảnh: Shanghaiist. |
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này có thể một phần xuất phát từ nhu cầu đặt chân vào tầng lớp xã hội cao hơn của các bậc phụ huynh nhiều tiền, với những khóa học đắt đỏ để "lấy le" với bạn bè họ.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo kiểu này lại không được kiểm định xem liệu các khóa học có thực sự hiệu quả và phù hợp. Theo CRI, Hiệp hội tiêu dùng Trung Quốc đã nhận được hơn 2.600 khiếu nại về các dịch vụ, cơ sở giáo dục và đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2016. Tờ SCMP nhấn mạnh rằng những khiếu nại này xoay quanh chất lượng giáo viên ở các cơ sở. Nhiều phụ huynh cho rằng, các giáo viên đó "chẳng khá hơn người trông trẻ".
Ngoài ra, một số cơ sở không đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị, an toàn và quản lý. Tờ Global Times ghi nhận, một số chương trình đào tạo golf và cưỡi ngựa cho trẻ vi phạm các quy định này cũng như không hề cung cấp các trang thiết bị và đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình học.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyến cáo, những khóa học này là vì lợi ích của bố mẹ chứ không hề vì trẻ. Bắt con phải học đủ thứ tới mức kiệt sức đang là một vấn đề đáng ngại ở Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, bố mẹ nên để con thi thoảng có lúc được thư giãn hơn là dành hết thời gian rảnh cho những khóa dạy các em điều hành công ty bằng cách xếp hình.
Vương Linh
học làm CEO, trẻ Trung Quốc, lãnh đạo công ty