Thế giới

Hành trình gian nan của một gia đình nhiễm HIV

PN - Wangda Dorje và Tshering Choden đã trở thành gương mặt của công chúng khi nói về HIV/AIDS ở Bhutan. Cặp vợ chồng này nằm trong số năm người dương tính với HIV

Wangda Dorje và Tshering Choden, đôi vợ chồng có HIV đã vượt qua định kiến xã hội để bước ra ánh sáng - Ảnh: BBC/Getty Images

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2006, khi Choden mang thai con thứ hai được ba tháng. Vợ chồng cô trên đường trở về nhà sau khi khám thai định kỳ, chợt bệnh viện yêu cầu họ quay lại tức thì. Hai nhân viên tư vấn, một nam một nữ, lặng lẽ nhìn Dorje và Choden. Sau phút im lặng, họ mời người vợ ra ngoài, rồi nói với người chồng là cả hai có kết quả dương tính với HIV. Dorje lập tức nghi ngờ Choden không chung thủy.

Nhưng vị bác sĩ trả lời, căn cứ vào mức miễn dịch của cơ thể, nhiều khả năng Dorje dính phải vi-rút này trước vợ khá lâu. Mọi chuyện sụp đổ, Dorje chỉ còn lại cảm giác tội lỗi và buồn đau. Anh không thể chịu nổi khi nhìn gương mặt còn quá trẻ của vợ. Dorje từng sử dụng ma túy khi anh sắp bước vào tuổi thanh niên. Anh nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm.

Sau đó, nhân viên tư vấn cho họ lời khuyên về thuốc chống HIV và cách thức giảm nguy cơ lây bệnh cho thai nhi. Choden khóc suốt trên đường về nhà.

Lo sợ bị cộng đồng kỳ thị và xua đuổi, hai vợ chồng quyết định giữ kín bí mật này, thậm chí với cả cha mẹ cũng như con cái của họ. Vào năm 2006, AIDS vẫn còn là căn bệnh hiếm gặp ở Bhutan. Cách đây chín năm, người Bhutan còn lưu truyền quan niệm cần thiêu sống những người nhiễm HIV hay ít nhất cũng thích chữ vào đùi của họ để dễ nhận biết.

Mấy tháng sau, Choden sinh một bé gái, hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm, con gái sơ sinh không nhiễm HIV. Thông qua bệnh viện và các cơ quan y tế khác, Dorje bắt đầu gặp gỡ với những người bí mật sống chung với HIV. Anh chứng kiến ​​họ bị xã hội tẩy chay, gia đình ruồng bỏ, con cái họ không được đi học. Anh cảm thấy bị xúc phạm nhưng bất lực. Một đêm năm 2009, quảng cáo truyền hình chiếu cảnh một người đàn ông mặc áo khoác dày, y phục màu đen và mang giày đen, một mình trên phố vắng. Anh ngồi xuống chiếc ghế trong căn phòng trống, khuôn mặt được che đi, và nói: “Hãy cẩn thận, nếu bị HIV như tôi, các bạn cũng biến mất như tôi”. Rồi màn hình chỉ để lại một dấu hỏi lớn. Xem quảng cáo trên, Choden khóc. Dorje không thể chịu đựng hơn nữa. “Tôi quyết định phải bước khỏi bóng tối”. Anh thuyết phục ba người đàn ông khác, cũng đang sống chung với HIV, cùng anh công khai.

Gia đình HIV can đảm và hạnh phúc - ẢNH: BBC/GETTY IMAGES

Nhưng khi Dorje nói với vợ quyết định của mình, Choden nổi giận: “Nếu anh làm như vậy em sẽ bỏ anh”. Suốt một tháng, Choden không chuyện trò gì với chồng. Trong khi đó, Dorje âm thầm thực hiện kế hoạch xuất hiện vào ngày AIDS thế giới 1/12/2011.

“Một đêm, cô ấy nói là cũng muốn ra công khai”, Dorje kể. Anh rất cảm động và khuyên vợ cần cân nhắc kỹ càng vì một khi bước ra ánh sáng, họ sẽ bị phân biệt đối xử. Nhưng Choden nghĩ, nếu có thể làm điều gì đó tốt cho xã hội Bhutan, cô “hy sinh cũng đáng”. Dorje, Choden và một số bạn bè dương tính với HIV được diện kiến Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck. Cuộc gặp Quốc vương an ủi họ rất nhiều, ông không làm cho họ có cảm giác bị ruồng bỏ hay xấu hổ về căn bệnh, thậm chí mẹ của hoàng hậu còn ôm Dorje để tỏ lòng cảm phục và gửi một thông điệp mạnh mẽ về việc HIV không lây qua tiếp xúc thông thường.

Sau đó, năm người có HIV đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Ngày hôm sau, vợ chồng Choden và Dorje mạo hiểm đi ra ngoài. Mọi người nhìn họ chằm chằm, trẻ em tụ tập xung quanh họ, tò mò quan sát và nhanh chóng bỏ chạy. Người cha lặng thinh khi Dorje thú thật mọi chuyện, còn mẹ và em gái thì tránh mặt anh. Vài tháng sau, vợ chồng Dorje bị chủ nhà đuổi ra ngoài. Họ lang thang trên đường phố, sau đó anh của Dorje tìm cho họ căn hộ khác.

Cặp vợ chồng này luôn bên nhau ngay cả khi gặp hoạn nạn tưởng chừng không vượt qua nổi - Ảnh: BBC/PTI

Quyết tâm sống một cuộc sống bình thường, hai vợ chồng tiếp tục mở rộng gia đình của họ. Đứa con thứ hai đã sinh ra không bị HIV, và đứa con thứ ba cũng vậy. Sau khi Choden sinh đứa con thứ tư khỏe mạnh, các bác sĩ đã triệt sản cho Choden.

Bây giờ họ có bốn đứa con hiếu động, xinh đẹp. Cuộc sống của gia đình Dorje giống như bất kỳ gia đình nào khác, tuy nhiên hai người rất cẩn thận khi bị đứt tay, hay chảy máu.

Vợ chồng họ trở thành “điểm sáng” của bệnh nhân HIV ở Bhutan. Dorje bây giờ là người đứng đầu một tổ chức từ thiện nối kết những người có HIV/AIDS ở Bhutan, kết nối những con tim đồng cảnh ngộ bằng sự đồng cảm yêu thương và bao dung.

THANH VÂN (Theo BBC, The Bhutan Times, PTI)

www.phunuonline.com.vn

Wangda Dorje, Tshering Choden, Bhutan, HIV/AIDS, bóng tối, ánh sáng, ma túy


© 2021 FAP
  3,534,845       1/346