Bác sĩ gia đình

Khổ vì bé 'tuyệt thực'

PN - Bé bỏ ăn, từ chối ăn, thấy thức ăn thì khóc lóc, trốn chạy… luôn là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ.

Thách thức

Khoảng 30-40% trẻ em có vấn đề về ăn uống: kén ăn, biếng ăn, sợ ăn… Biếng ăn sẽ dẫn đến tình trạng suy yếu hệ miễn dịch, rất dễ bệnh, bệnh thì lâu bình phục, ảnh hưởng đến phát triển toàn diện thể lực và trí tuệ.

Hậu quả lâu dài của biếng ăn là bé kém phát triển hơn trẻ bằng tuổi, học tập cũng thua sút. Biếng ăn còn ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của trẻ, do không có đủ dinh dưỡng nên bé không thích vận động, chơi đùa, không hòa đồng với bạn bè, khó hòa nhập với môi trường xung quanh. Khi trưởng thành, các bé này thường nhỏ con, sức khỏe yếu.

Thông thường, ai cũng nghĩ trẻ suy dinh dưỡng chỉ không cao lớn như các bé cùng tuổi, ít ai ngờ, khi bước vào tuổi trung niên những trẻ từng bị suy dinh dưỡng còn có nguy cơ cao bị các bệnh tiểu đường, huyết áp, béo phì… Đó là do những thiếu hụt dinh dưỡng đầu đời sẽ được cơ thể ghi nhớ và lập hẳn một chương trình “để dành” cho những ngày đói kém (nếu xảy ra). Với điều kiện dinh dưỡng hiện nay, việc nạp vào chỉ dư chứ không thiếu, nên khi bước vào tuổi trung niên dễ mắc các bệnh mãn tính nêu trên.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Duy Hương - Bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, không chỉ với phụ huynh, trẻ biếng ăn còn là thách thức với bác sĩ nhi khoa vì thường thì phụ huynh muốn giải quyết chứ không muốn tìm hiểu vì đâu nên nỗi!

Vượt chướng ngại vật

Khi đưa trẻ đến bác sĩ, các bậc cha mẹ mong muốn ngày một ngày hai con mình sẽ có “tâm hồn ăn uống”, vồ vập bất kỳ món gì xuất hiện trước mặt. Thực tế, trẻ biếng ăn có nhiều nguyên nhân: bị bệnh, mọc răng, viêm loét miệng, ăn vặt trước bữa ăn, món ăn dở… Bé sợ ăn còn do đã từng bị những ký ức đau đớn, sợ hãi do thức ăn gây ra như: hóc xương, nghẹn, sặc… Do đó muốn trẻ yêu thích món ăn cần phát hiện sớm bệnh lý để điều trị. Bên cạnh đó cần loại bỏ các nguyên nhân mà phần lớn phụ huynh hay mắc phải:

- Chạy theo “chỉ tiêu”, buộc bé phải ăn hết chén bột, uống hết ly nước trái cây…

- Nấu quá nhiều đồ bổ, thậm chí cô đặc để bé dù ăn ít nhưng được nhiều. Nhưng càng bổ càng khó tiêu, bé không đói lại bị tiếp tục “áp bức” ăn uống nên càng sợ ăn!

- Bổ sung cả tình yêu thương của gia đình bằng nhiều trò diễn, kèm cả tivi tạo không khí vui nhộn, nhưng đây không phải là không khí ăn uống dài hơi giúp bé phát triển. Chính việc không tập trung ăn uống khiến bé dễ ngậm cơm, một khi đã ngậm rồi thì khó “cai” vì cơm càng ngậm càng nhạt, bữa ăn sẽ kéo dài đầy mệt mỏi.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Duy Hương, hãy để cho bé đói bụng và đòi ăn. Khi bé ra hiệu không muốn ăn, cần dẹp ngay chén bát. Bữa này trẻ không ăn thì bữa sau (khoảng ba - sáu tiếng sau) bé sẽ ăn.

Ăn uống cần có sự “tham gia” của các giác quan, ví dụ mũi ngửi mùi thơm, tai nghe tiếng lật chén bát đặt lên bàn ăn, mắt nhìn thấy món ăn, thấy người thân ngồi quanh bàn… Các giác quan sẽ vận động và nhắc nhở bao tử đến giờ làm việc, dịch tiêu hóa cũng tiết ra. Không khí đánh thức tâm hồn ăn uống là bàn ăn nơi cả gia đình cùng ngồi, hay ít ra là mẹ và trẻ chứ không phải mình bé. Trẻ chỉ cần nhìn thấy mọi người ăn uống vui vẻ là muốn ăn ngay. Do đó, cần lắm một bữa ăn gia đình đông vui. Khi ăn cần tập trung nhai nuốt, thưởng thức món ăn, không xao lãng, bữa ăn quá nửa tiếng là bữa ăn không thành công.

 NHƯ Ý

www.phunuonline.com.vn

bé biếng ăn, bé lười ăn, làm sao để bé ăn giỏi


© 2021 FAP
  124,900       1/447