Thế giới

Myanmar báo động tác hại của thói quen ăn trầu

PN – Người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy tài xế taxi chở mình ăn trầu nhiều đến mức hàm răng anh ta bị nhuộm màu đỏ sậm. Myo Min Htaike, một người lái xe ở Yangon cho biết nhai trầu là để giết thời gian trong một ngày chạy xe của mình.


Một người bán trầu chuẩn bị hàng tại cửa hàng của mình ở Naypyidaw, Myanmar - Ảnh: AFP

Người lái xe 32 tuổi nói với phóng viên AFP: "Tôi rất buồn ngủ khi bắt đầu lái xe taxi chạy quanh thành phố, vì vậy tôi nhai kun ja để giúp mình tỉnh táo”.

Kun ja là một chất kích thích vô cùng phổ biến được người ta nhai khắp Myanmar. Tuy nhiên, kèm theo nó là một danh sách dài những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe như bị nghiện, ố bẩn nướu răng và nguy cơ cao bị ung thư miệng.

Các gói nhỏ thuốc lá, hạt cau, vôi tôi và gia vị tùy chọn, được bọc trong lá trầu xanh, được bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước Myanmar. Nó được người dùng ca ngợi như là một loại chất làm hưng phấn, tăng sự tỉnh táo, tăng năng lượng và mang lại hơi thở thơm tho.

Myo Min Htaike nói khi anh bắt đầu nhai trầu để trị chứng đau răng anh không thích lắm, nhưng nhờ nó anh đã khỏi đau răng và dần dần anh thấy thích món “sing gum” này. Đối với nhiều người nghèo ở Myanmar, làm trầu và buôn bán lẻ cũng là một phương kế mưu sinh.

Tuy nhiên thói quen ăn trầu cũng có nhiều mặt trái. Người dân tùy tiện nhổ lên tường và trên vỉa hè những vết nước trầu đỏ quạch.



Trầu được bán buôn tại một chợ đầu mối ở gần Yangon - Ảnh: AFP

Mặc dù hầu hết người dân ở Myanmar ăn trầu, và đó là một tập quán truyền thống của người dân nước này, nhưng gần đây các bác sĩ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen dùng chất kích thích có hại này.

"Myanmar là một trong những nước có số người nhai thuốc lá cao nhất toàn cầu, đặc biệt là ở nam giới", Tiến sĩ Dhirendra Narain Sinha, một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói với hãng tin AFP.

Cả thuốc lá và hạt cau được biết đến như các chất gây ung thư, trong đó ung thư miệng chiếm đến 20% các trường hợp ung thư ở Myanmar. TS Sinha nói những người nhai trầu không có thuốc lá có nguy cơ bị ung thư miệng và vòm họng lớn hơn 250% so với những người không dùng đồ nhai truyền thống này. Đối với những người nhai thuốc lá nguy cơ nhảy lên 770%.

Tuy nhiên thông điệp này không làm cho người Myanmar ngừng nhai trầu.

Theo các số liệu mới nhất của WHO, Myanmar dành tỷ lệ GDP cho y tế thấp nhất trên thế giới - chỉ 0,5% năm 2013, thấp hơn so với hai nước kém phát triển là Nam Sudan và Haiti.

TỐ QUYÊN
(Theo AFP)
 

www.phunuonline.com.vn

Myanmar, tục ăn trầu, tác hại, ung thư miệng


© 2021 FAP
  350,319       1/1,218