Đời sống

Cha bắt con đem giấu, mẹ ròng rã ba năm đi tìm

PN - Suốt ba năm qua, mỗi lần hay tin chồng mang con đi là chị Hợp đón xe, đón tàu đuổi theo. Có lần vừa nhác thấy bóng con gái phía trước, chị lao người ra giữa dòng xe đang chạy, suýt mất mạng. Nhưng đó chỉ là ảo giác.

Ba năm ròng rã tìm con

Sáng 25/9, không còn nhớ là lần thứ bao nhiêu, chị Đoàn Thị Bích Hợp - cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, trở lại ngôi nhà của ông Vũ Trọng Nguyên - chồng cũ của chị - hiện là Phó phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đồng Nai, tại KP.2, P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, để hỏi thăm tin tức, hy vọng được gặp lại đứa con của mình là cháu V.T.T.L., SN 2004.

Chị Bích Hợp và bé T.L., ảnh chụp tháng 2/2012

Hành trình tìm và đòi quyền trực tiếp nuôi dưỡng con của chị Hợp đã kéo dài gần ba năm qua. Chuyện bắt đầu từ năm 2003, khi chị và ông Vũ Trọng Nguyên chung sống không đăng ký, có một con chung là cháu L. Do phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, năm 2005 hai người ly thân, cháu L. vẫn do mẹ nuôi dưỡng, nhưng không hiểu sao, năm 2008, UBND P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lại cấp cho ông Nguyên giấy chứng nhận kết hôn cùng chị Hợp.

Thấy việc kết hôn gian dối, chị Hợp đã gửi đơn ra tòa xin ly hôn. Ngày 20/5/2010, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ việc ra xét xử, suốt hai cấp tòa diễn ra trong thời gian từ 2010 đến 2012, đều giao cháu L. cho ông Nguyên nuôi dưỡng. Nghe phán quyết của tòa, lần nào chị Hợp cũng khóc ngất. Chị kháng cáo và cơ quan Thi hành án (THA) dân sự Q.2 (nơi chị Hợp cư trú trước đây) ban hành quyết định hoãn thi hành việc giao cháu L. cho ông Nguyên nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ngày 20/4/2012, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thi học kỳ II của cháu L., ông Nguyên đã đến trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Q.3 TP.HCM “bắt” cháu L. mang đi giấu. Mấy ngày sau, liên hệ với trường, chị mới hay tin hồ sơ học bạ của L. đã bị ông Nguyên cắt chuyển về nơi mới. Nhà trường lẫn Phòng Giáo dục-đào tạo không cho biết L. được chuyển đi đâu, thế là từ đó đến nay chị ròng rã đi tìm con.

Mặc dù đã có các quyết định khẩn cấp tạm thời về việc không giao đứa bé cho ông Nguyên của các cơ quan chức năng, nhưng ông Nguyên, một cán bộ công an đương chức vẫn không chịu thi hành, tiếp tục đem giấu con, đồng thời còn nhắn tin và điện thoại thách thức chị Hợp khiếu kiện. Cuối năm 2012, vụ án bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tuyên hủy và giao trả lại cho TAND TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thụ lý lại từ đầu.

Suốt ba năm qua, chị Hợp đã phải nhiều lần xin đổi ca, nghỉ trực để đi tìm con. Mỗi lần hay tin ông Nguyên mang con đi Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai hay Hà Nội là chị đón xe, đón tàu đuổi theo. Có lần vừa nhác thấy bóng con gái phía trước, chị lao người ra giữa dòng xe đang chạy, suýt mất mạng. Nhưng đó chỉ là ảo giác. Mất ăn mất ngủ, suy sụp thể xác lẫn tinh thần, có lúc chị như ngã quỵ. Nhưng, sau những lần suy sụp, chị nhận ra đoạn trường tìm con vẫn còn dài nên lại tự động viên mình phải tiếp tục hành trình, dù có lúc vô vọng.

Thực thi luật vẫn vi phạm luật!

Ngày 14/5/2014, TAND TP. Biên Hòa xử phiên sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu nuôi con của chị Hợp. Chị Hợp kể: “Suốt phiên xử hôm đó, con gái tôi đã nức nở khóc xin về với mẹ”. Thế nhưng, khi phiên tòa kết thúc, ngay sân tòa, cháu L. lại bị gia đình bên nội nhốt vào xe, không cho gặp mẹ. Nhìn con, chị Hợp đau đớn xé lòng. Ngay sau đó, chị tìm đến nhà ông Nguyên thì được tin con gái đã bị ba đưa đi đâu không rõ.

Chiều 9/9, TAND Tỉnh Đồng Nai đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con” đầy trắc trở này. Một lần nữa, tòa đã tuyên bác đơn kháng cáo của ông Nguyên, giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm, giao cháu bé V.T.T.L. (10 tuổi) cho chị Hợp trực tiếp nuôi dưỡng.

Chị Bích Hợp chờ đợi gặp con trước cổng nhà chồng trong vô vọng…

Như vậy, tính đến nay, sau hai lần tòa án tuyên trả cháu V.T.T.L. về với chị Hợp, cháu vẫn chưa được về với mẹ. Sáng 25/9, ông Nguyên nói thẳng với phóng viên: “Khi có quyết định của tòa và cơ quan THA tôi sẽ thi hành, nhưng tôi không giao con cho người phụ nữ không đủ tư cách làm mẹ”.

Theo quy định, bản án phúc thẩm ngày 9/9 có hiệu lực tức thì. Vậy nhưng đến 19/9, một ngày sau khi nhận được quyết định chính thức của TAND tỉnh Đồng Nai về việc giao quyền nuôi dưỡng trực tiếp con gái, chị Hợp tìm đến Chi cục THA dân sự TP. Biên Hòa gửi đơn thì được nơi này yêu cầu “ghi lùi” ngày đề nghị thi hành đến 30/9 với lý do “ngành tòa án đang tổng kết cuối năm, có nộp bây giờ cũng phải đến tháng 10 mới xét”.

Sáng 25/9, trước mặt chúng tôi, những chấp hành viên của Chi cục THA dân sự TP. Biên Hòa vẫn thản nhiên bảo chị Hợp hãy chờ, cuối tháng ra quyết định. Chị Hợp tức tưởi: “Suốt những ngày qua, tôi thấp thỏm chờ lấy bản án của tòa để đưa yêu cầu thi hành gấp, giờ lại bị dội gáo nước lạnh”. Trả lời phóng viên, bộ phận tiếp nhận đơn yêu cầu THA của cơ quan này cho biết: “Nguyên tắc cuối tháng Chín bên ngành đã chốt sổ, vì vậy chúng tôi mới hướng dẫn chị Hợp ghi ngày gửi đơn là 30/9” (!).

Không thể dung dưỡng, bao che


Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết, điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng".

Theo đó, sau khi nhận được bản án phúc thẩm, nếu các bên không tự thỏa thuận THA về việc giao trả con được, thì chị Hợp có quyền làm đơn yêu cầu THA tại Chi cục THA dân sự TP. Biên Hòa.

LS Vũ khẳng định: “Không có quy định nào cho phép trong tháng Chín người dân có nhu cầu nộp đơn yêu cầu THA, thì phải đợi đến tháng 10 mới được quyền nộp đơn hoặc sang đến tháng 10 cơ quan THA mới nhận đơn yêu cầu THA. Việc từ chối nhận đơn với lý do như trên của Chi cục THA dân sự TP. Biên Hòa là trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, còn có một số trường hợp trong tháng Chín thì còn thời hiệu yêu cầu THA, nhưng nếu sang tháng 10 thì sẽ hết thời hiệu yêu cầu THA… Vì vậy, chị Hợp nên nộp đơn yêu cầu THA.

Trường hợp cơ quan THA từ chối thì phải thông báo bằng văn bản (có nêu rõ lý do). Căn cứ văn bản từ chối, chị Hợp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Riêng với những hành động của anh Nguyên như tự ý bắt con mang đi, chống lệnh cưỡng chế THA, chống lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đều là hành vi vi phạm pháp luật, phải được xử lý nghiêm. Trong đó, trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm pháp luật này trước hết thuộc về cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai, đơn vị ông Nguyên công tác. Cơ quan thi hành pháp luật không thể dung dưỡng, bao che cho một người vi phạm pháp luật rõ ràng như vậy”.

 
NGHI ANH

www.phunuonline.com.vn

cha con, mẹ tìm con, nuôi dưỡng, ly thân


© 2021 FAP
  937,952       1/967