PNO - Nắng nóng như đổ lửa làm hàng trăm ha cây trồng héo rũ, hầu hết giếng nước trên đảo Lý Sơn đều trơ đáy cạn kiệt. Kỳ lạ, chỉ giếng Xó La ở thôn Đông vẫn đầy ắp nước ngọt và là “cứu cánh” cho hàng ngàn hộ dân trên đảo
Giếng Xó La, nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh, là giếng nước có niên đại cổ nhất trên đảo Lý Sơn. Theo cụ Đặng Lại, 85 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, từ nhỏ ông được nghe các bậc cao niên trong làng kể, từ khi phát hiện đến nay, trải qua vài trăm năm, xảy ra nhiều đợt nắng hạn gay gắt, toàn bộ giếng nước trên đảo đều cạn kiệt, nhưng chưa bao giờ giếng Xó La khô cạn hay bị nhiễm mặn. Nguồn nước từ giếng này đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân trên đảo, cũng là cách mưu sinh của hàng chục hộ dân từ nghề bán, chở nước từ giếng Xó La.
Nằm sát mép biển (cách 10m), giếng Xó La luôn đầy ắp nước ngọt, trong vắt
Những ngày này, khi nắng hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân trên đảo đang diễn ra trầm trọng. Ngày ngày, với chiếc xe máy 67 cà tàng, Ông Võ Xuân Thắng, 45 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, lại vận chuyển hàng chục can nhựa để chở nước bán cho các hộ dân trên đảo. Ngày làm việc của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng đến tận tối. “Ngày nào chịu khó đội nắng luôn trưa cũng bán được 40 can nước loại 30 lít, mỗi can giá từ 7 - 8 ngàn đồng (tùy theo địa điểm xa gần), trừ chi phí xăng dầu, mỗi ngày tui cũng kiếm được vài trăm ngàn” - ông Thắng nói.
Mỗi ngày, ông Thắng dong duổi hàng chục cây số khắp hang cùng ngõ hẻm để giao nước đến nhà các hộ dân. Còn ông Lê Văn Kiên, 60 tuổi, một phu nước ở thôn Đông, xã An Vĩnh chia sẻ, ông theo nghề phu nước đã vài năm nay. Thời gian gần đây nghề trồng hành, tỏi cũng kém hiệu quả nên vợ chồng ông chuyển qua nghề phu nước bằng xe đạp thồ rong ruổi làng trên xóm dưới để chuyên chở nước, bán kiếm gạo qua ngày. “Thấy mình già cả, làm ăn uy tín nên trên đảo ai cũng thương, chỉ cần “ới” một tiếng là có nước giao tận nhà. Mỗi ngày 2 vợ chồng cặm cụi từ sáng đến tối cũng bán được vài ba chục can, đủ tiền mua gạo và xoay xở qua ngày” - Ông Kiên cho biết.
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện trên đảo có gần 20 hộ dân đang sống bằng nghề “phu nước”.
Đa số những người theo nghề “phu nước” trước đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nghề nghiệp, thu nhập không ổn định. Từ khi chuyển qua nghề này, cuộc sống của họ đã dần ổn định, tuy không dư dả nhưng đủ sống qua ngày.
VĂN MỊNH
Mưu sinh, nghề "phu nước", đảo Lý Sơn