(TNO) 14 giờ 30 chiều nay (25.3), Báo Thanh Niên sẽ kết thúc chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn ngành nghề phù hợp” tại trang www.thanhnien.com.vn. LIÊN TỤC CẬP NHẬT
Trong buổi tư vấn thứ 10 này, cùng với chuyên gia đến từ các trường, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào Tạo (GD - ĐT) sẽ giải đáp những băn khoăn của thí sinh và phụ huynh về các thông tin mới nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2014.
Ngoài ra, tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường, gồm:
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.
14 giờ 30 phút, học sinh lớp 12 trường THCS - THPT Hồng Hà (TP.HCM) đã có mặt đông đủ tại tòa soạn để tham gia chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến.
|
Đặc biệt, buổi tư vấn hôm nay có sự tham dự của GS - TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đại diện Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên gửi tặng những bó hoa tươi thắm cho GS - TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các thầy cô khác tham dự chương trình.
Mở đầu buổi tư vấn, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên cho biết, năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều điểm mới, cụ thể gồm: điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực, các trường được thực hiện quyền tự chủ bằng các đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn, một số vấn đề kỹ thuật trong việc xét tuyển…
Hiện học sinh vẫn còn bỡ ngỡ trước những thông tin mới này. Bản thân các trường ĐH, CĐ và THPT vẫn hiểu chưa chính xác về những đổi mới này. Hiểu được những băn khoăn này, GS-TSKH Bùi Văn Ga đã nhận lời mời của Báo Thanh Niên tham gia chương trình tư vấn trực tuyến tại http://www.thanhnien.com.vn/ trong chiều hôm nay để thông tin cho học sinh và độc giả của Báo Thanh Niên chính thức, chính xác và đầy đủ nhất về những thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH,CĐ 2014.
|
Sau lời giới thiệu của nhà báo Thùy Ngân, GS -TSKH Bùi Văn Ga thông tin những điểm mới, cần lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ sắp đến.
GS - TSKH Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay có một số trường được tự chủ tuyển sinh. 62 đề án tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ đã được Bộ GD-ĐT chính thức thông qua. Trong đó, có những trường tuyển sinh riêng hoàn toàn, một số trường chỉ tuyển sinh riêng cục bộ một số ngành.
Năm nay, Bộ GD - ĐT cũng điều chỉnh một số chính sách về ưu tiên khu vực và đối tượng do hiện nay kinh tế - xã hội đã phát triển, khác 10 năm trước, nhằm đảm bảo sự công bằng cho TS. Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay cho điểm sàn – đơn tiêu chí như trước. Như vậy, vừa đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào cho cấp ĐH-CĐ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyên học sinh rằng các em không cần bận tâm nhiều về những thay đổi mang tính kỹ thuật này. Điều quan trọng nhất đối với các em là chọn được ngành nghề nào phù hợp nhất với mình theo sở thích và sức học. Sau đó, các em sẽ chọn trường nào có ngành đó và theo dõi thông báo, quy định của trường để đăng ký dự thi.
“Có tuyển theo cách gì đi nữa thì thi cũng nằm trong chương trình phổ thông của các em và tuyển theo kết quả thi của các em. Vì vậy, đối với các em thì quan trọng nhất là phải tập trung học cho thật tốt, giữ gìn sức khỏe để có thể thi đạt được kết quả tốt nhất. Còn về quy chế, thủ tục nộp hồ sơ thì các em có thể nhờ thầy cô hỗ trợ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Nói thêm về việc điều chỉnh chế độ ưu tiên theo khu vực, GS- TSKH Bùi Văn Ga lưu ý thêm: Phải điều chỉnh lại ưu tiên theo khu vực, có nhiều khu vực trước đây tình hình kinh tế xã hội khó khăn nhưng giờ đã khá lên, các điều kiện chăm lo cho học sinh cũng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể bỏ chế độ ưu tiên được tuy số địa phương được ưu tiên theo diện KV1 đã giảm. Thời gian tới, vẫn tiếp tục phân tích phổ điểm để giảm dần diện ưu tiên.
|
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bổ sung thêm: Hướng đến sự hợp lý trong ưu tiên khu vực, trong những năm trước số thí sinh được ưu tiên KV1 rất lớn, chiếm 30 - 38%. Để bớt sự chênh lệch điểm giữa các khu vực, thí sinh ở KV1 cần được ưu tiên 1,5 điểm và KV2 được ưu tiên 1 điểm thì mới sánh bằng KV3. Để điều chỉnh phù hợp hơn về diện ưu tiên khu vực thì cần tiếp tục thống kê các phổ điểm để có thể giảm dần chế độ ưu tiên ở những khu vực điều kiện học tập, năng lực của học sinh đã khá hơn so với trước đây.
Bạn đọc gửi những câu hỏi đầu tiên: Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được xem là thi chung hay thi riêng khi mà các môn (trừ môn năng khiếu của trường ĐH Kiến trúc) đều dùng chung đề với Bộ?
- Thí sinh thi rớt trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có được dùng kết quả thi để xét tuyển qua các trường còn thiếu chỉ tiêu không? Tương tự, một số trường cũng đã ngỏ ý muốn xét tuyển các thí sinh không trúng tuyển vào trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chỉ dùng kết quả môn năng khiếu, thì có được hay không?
GS- TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp: Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, trường này thực ra vẫn thi đề chung của Bộ nên thí sinh có thể sử dụng kết quả để xét tuyển vào trường khác cùng khối thi và khu vực thi.
Với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có đổi khối thi V thành V1, H thành H1. Theo quy chế tuyển sinh, những trường có thi năng khiếu, không tổ chức thi thì có thể sử dụng kết quả thi của trường có thi năng khiếu và thi môn văn hóa theo đề chung của Bộ. Như vậy Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thi môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ hai môn toán, văn và thi riêng môn năng khiếu nên thí sinh vẫn có thể dùng kết quả này xét tuyển vào trường khác với điều kiện cùng ngành, cùng khối V1 và H1. Trường xét tuyển khối V1 và H1 phải thông báo cho thí sinh biết ngay từ đầu.
Một phụ huynh đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga về điểm ưu tiên khu vực như sau: “Trong sách những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2014, quận Thủ Đức có 3 phường Bình Chiểu, Bình Thọ, và Tam Bình được xếp vào ưu tiên khu vực 2 (KV2). Vậy con tôi đang cư ngụ tại phường Tam Bình có được hưởng điểm ưu tiên trên KV2 không? Xin nói thêm, học sinh của phường Tam Bình đều phải học ở trường cấp 3 Tam Phú và học sinh của phường Bình Chiểu phải học ở trường cấp 3 Hiệp Bình vì phường Tam Bình và phường Bình Chiểu không có trường cấp 3. Trong khi đó, phường Tam Phú và phường Hiệp Bình không nằm trong diện ưu tiên khu vực 2. Cảm ơn ông".
GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời: Em không được tính vào diện ưu tiên KV2. Vì theo quy chế tuyển sinh, ưu tiên KV tính theo trường THPT mà học sinh theo học. Chỉ có trường hợp KV1 thì các em mới được ưu tiên tính theo hộ khẩu vì ở KV1 thường không có trường THPT nên các em hầu như đều phải học ở trường huyện.
Một bạn đọc hỏi: "Nếu hộ khẩu ở KV1 nhưng mới nhập cách đây 1 năm thì có được hưởng điểm ưu tiên ở KV1 không?"
GS - TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Bạn đọc có thể xem lại quyết định 477 và 539 của Bộ GD - ĐT để xem rõ hơn.
Một phụ huynh thắc mắc: Con tôi chọn 2 trường tổ chức thi chung khối A và khối B. Vậy có cơ hội để làm hồ sơ thi vào trường tuyển sinh riêng được nữa không? (Lâm Đồng)
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Khối A và khối B được tổ chức thi ở 2 đợt khác nhau nên thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký dự thi cả 2 khối.
Tuy nhiên, với một số trường có đề án tuyển sinh riêng, thí sinh phải lưu ý xem có tổ chức thi hay không, hay tổ chức xét tuyển và theo dõi thông tin đầy đủ, chính xác. Có một số trường chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT năm nay, có trường tuyển cả học sinh tốt nghiệp năm trước… Ví dụ như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có một số ngành chỉ xét học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014.
Một độc giả ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) đặt câu hỏi qua điện thoại: Em tốt nghiệp THPT trước năm 2013. Vậy việc xét tuyển ĐH có áp dụng cho kết quả tốt nghiệp những năm trước không hay chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT năm 2014.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Đề án tuyển sinh riêng rất phong phú, mỗi trường ĐH-CĐ có một tiêu chí tuyển sinh, xét tuyển cụ thể. Vì vậy, TS phải tham khảo trực tiếp, cụ thể từng trường qua cuốn Những điều cần biết, website của các trường hoặc liên hệ trực tiếp các trường. Hiện nay, theo thông tin tôi nắm thì rất ít trường chỉ tuyển sinh theo kết quả tốt nghiệp 2014. Em nên tham khảo trực tiếp tại các trường.
Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi: Em đang theo học một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 8 mới thi tốt nghi ệp nhưng em muốn tham gia kì thi liên thông đại học năm nay thì có coi là thí sinh tự do không và nếu em chưa có bằng tốt nghiệp tạm thời thì vào phòng thi em phải đem theo các giấy tờ nào?
GS- TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp: Quy định thông tư 55 về việc thi liên thông không có gì thay đổi nên các em muốn thi liên thông thì phải thi theo đề thi 3 chung của Bộ, điều kiện là phải có bằng tốt nghiệp của trường cao đẳng hay trung cấp mà thí sinh đã học.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý thêm: Theo quy định, đối với các thí sinh muốn thi liên thông thì phải đã tốt nghiệp một trường ở bậc cao đẳng hay trung cấp. Về mặt pháp lý đối với các sinh viên chưa tốt nghiệp trường cao đẳng hay trung cấp thì không đủ điều kiện dự thi.
"Nếu học ở khoa toán của ĐH Khoa học tự nhiên thì có thể chọn chuyên ngành nào, ra trường công việc ra sao?", một phụ huynh đặt câu hỏi qua điện thoại.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Đối với ngành toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thí sinh học các môn chung khoảng 3 học kỳ đầu sau đó sẽ phân chuyên ngành như đại số, giải tích, hình học… Các em có thể tìm hiểu chi tiết hơn trên website của trường.
Tốt nghiệp ngành toán thì có thể đi dạy hoặc được giữ lại trường để học cao hơn, làm giảng viên. Sau khi bổ túc một số kiến thức, các em có thể đi dạy ở các trường khác. Sinh viên học ngành toán dễ được mời học tiếp về các ngành kinh tế như dự báo rủi ro,…
LIÊN TỤC CẬP NHẬT
tuyển sinh 2014, tư vấn trực tuyến truyền hình, tuyển sinh riêng, chọn nghề phù hợp, Thanh Niên