Sức khỏe

Hoại tử chỏm xương đùi có nguy hiểm?

PN - Khi kiểm tra sức khỏe, tôi được thông báo bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Xin bác sĩ tư vấn rõ hơn về bệnh này cùng cách điều trị và phòng ngừa?

Lâm Văn Long (Bình Dương)

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là bệnh lý khớp háng gây tàn phế, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở tuổi từ 40 đến 65, nam bị nhiều hơn nữ.

Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi là do nguồn máu nuôi đi đến chỏm bị giảm hay gián đoạn, thường do những tổn thương xương khớp. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ như: chấn thương (trật khớp háng, gãy xương vùng háng và những chấn thương khác có thể làm tổn thương hệ thống các mạch máu của chỏm xương đùi); uống rượu thái quá; sử dụng corticosteroid (một số bệnh như hen phế quản, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm mạch máu nhỏ… được điều trị bằng thuốc steroid).

Cũng có thể nguyên nhân do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác có liên quan như bệnh khí ép (bệnh người thợ lặn), bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn tăng sinh tủy, bệnh Gaucher, lupus ban đỏ, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, bệnh Crohn, thuyên tắc động mạch, viêm mạch máu nhỏ… hoặc do xạ trị chữa ung thư, chạy thận, ghép tạng.

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể không đau hoặc có cảm giác đau nhưng không rõ ràng. Nếu đau, người bệnh sẽ thấy nhói ở háng, vùng mông, gối hoặc vùng mấu chuyển lớn. Khi bệnh nặng, bên háng bị bệnh sẽ gặp khó khăn khi đứng hoặc chịu lực, đau khi vận động khớp háng. Dần dần, tình trạng đau sẽ kèm theo cứng đờ khớp, đau lan xuống khớp gối. Người bệnh sẽ đi khập khiễng, khớp háng bị giới hạn và đau, đặc biệt khi xoay khớp, khó có thể nâng thẳng chân khi nằm. Tư thế duỗi thẳng của đùi cũng có thể gây đau, thường do kèm theo viêm bao khớp háng.

Bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi nếu đến khám ở giai đoạn sớm (trước khi chỏm xương biến dạng) sẽ có nhiều phương pháp điều trị giúp bảo tồn chỏm xương đùi. Hiện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã triển khai một số phương pháp mới trong điều trị hoại tử chỏm xương đùi như: nội soi cắt lọc khớp háng kết hợp khoan giải áp và ghép xương có bơm tế bào gốc; ghép khối sụn xương dạng khảm thay thế vùng chỏm xương bị tổn thương. Tiến triển cuối cùng của hoại tử chỏm xương đùi thường phải điều trị bằng thay khớp háng toàn phần.

 ThS-BS MAI THANH VIỆT

(BV Đại học Y Dược TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

Hoại tử mạch, chỏm xương đùi, bệnh lý khớp háng


© 2021 FAP
  392,380       1/969