PN - Bên cạnh tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị), còn có nhiều nguyên gây mờ mắt. BS Trần Anh Tuấn - Giám đốc BV Mắt TP.HCM cung cấp các thông tin về cách giữ gìn thị lực.
PV: Tật khúc xạ ở trẻ em rất dễ nhận biết, vì chỉ cần bé viết sai, hay chạy lên bảng để nhìn cho rõ, đầu cúi thấp sát vở… là phát hiện được ngay. Xin bác sĩ cho biết, ngoại trừ tật khúc xạ, còn có những nguyên nhân nào khiến mắt nhìn không rõ?
BS Trần Anh Tuấn: Đa số trẻ em ở lứa tuổi đi học có tình trạng giảm thị lực do tật khúc xạ (cận/viễn/loạn thị). Bên cạnh đó còn trường hợp mắt nhìn mờ do tật khúc xạ không được điều chỉnh đúng độ kính.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác gây giảm thị lực như tình trạng nhược thị (do nhiều nguyên nhân khác nhau), chấn thương đụng dập (bằng tay, đồ chơi...) hoặc chấn thương xuyên nhãn cầu (viết chì, vật nhọn, kéo, dao…).
* Ở tuổi trung niên, khi tóc bắt đầu có sợi bạc thì mắt cũng mờ, người ta dễ dàng phát hiện bệnh khi phải “nhìn xa trông rộng” mới thấy. Căn bệnh lão hóa mắt này chỉ cần đi đo kính, nhưng ở tuổi này, những bệnh lý về mắt nào có thể xuất hiện đột ngột làm ảnh hưởng trầm trọng thị lực?
- Những bệnh lý có thể xuất hiện đột ngột gây giảm thị lực trầm trọng mà tuổi trung niên thường gặp là tình trạng tắc mạch máu (động mạch hoặc tĩnh mạch) võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc... Đây có thể là hậu quả của các bệnh lý toàn thân khác như: tiểu đường, cao huyết áp, hoặc do bệnh lý tại mắt như cận thị nặng.
Một số bệnh có thể gây giảm thị lực đột ngột kèm đau nhức, chẳng hạn như tăng nhãn áp cấp tính. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh này có thể dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn.
Vì vậy, khi thấy mắt mờ đột ngột, cần đi khám chuyên khoa mắt ngay để có hướng điều trị thích hợp.
* Khi mang thai, không ít người cũng bị mờ mắt, nguyên nhân do đâu?
- Tình trạng thai kỳ ảnh hưởng đến mắt ở ba nhóm: thay đổi sinh lý, thay đổi bệnh lý và làm nặng thêm tình trạng bệnh mắt có sẵn.
+ Tình trạng thay đổi sinh lý có thể anh hưởng đến bề dày giác mạc, chủ yếu do sự thay đổi nội tiết tố, chuyển hóa, tích tụ nước và tuần hoàn mạch máu làm mắt có vẻ “cận thị” nhiều hơn và khó đeo kính sát tròng hơn. Do đó, trong phẫu thuật khúc xạ, không có chỉ định can thiệp ở thời điểm bệnh nhân đang có thai. Ngoài ra, thai kỳ có thể gây khô mắt nhẹ do tuyến lệ giảm tiết, sự thay đổi sinh lý còn gây hạ nhãn áp, phù mi mắt, thay đổi sắc tố da vùng mắt, tình trạng này sẽ khỏi sau khi sinh vài tháng.
+ Bệnh lý mắt do thai kỳ: trong tiền sản giật và sản giật, CSCR (bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch), bệnh lý tắc nghẽn mạch máu. Tình trạng sản giật/tiền sản giật gây ra co thắt các tiểu động mạch ở võng mạc và có thể gây ra phù, xuất huyết võng mạc. Một số trường hợp hiếm có thể gây ra triệu chứng viêm teo gai thị, thiếu máu gai thị, tắc động mạch/tĩnh mạch võng mạc… Bong võng mạc xuất tiết xảy ra 1% ở sản phụ tiền sản giật và 10% sản phụ bị sản giật; các triệu chứng này sẽ phục hồi sau sinh.
+ Các bệnh lý mắt có sẵn có thể nặng hơn trong thai kỳ như bệnh võng mạc đái tháo đường, viêm màng bồ đào, nhiễm toxoplasma cần được bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi và điều trị kịp thời.
* Ở người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, gút nên chăm sóc mắt như thế nào? Triệu chứng nào cần nhập viện ngay?
- Các bệnh lý toàn thân kể trên có thể gây ảnh hưởng đến võng mạc, cũng như đến kết giác mạc tại mắt và gây ra các hiện tượng như khô mắt, tổn thương mạch máu võng mạc gây giảm thị lực, vì vậy cần phải theo dõi định kỳ với một bác sĩ chuyên khoa mắt, để có thể phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý tại mắt.
VŨ ÂU thực hiện
Mắt, bệnh về mắt, chăm sóc mắt