PN - Có những căn bệnh khi mới xuất hiện khá “hiền”, nhưng nếu không chữa trị hoặc thay đổi lối sống, cách ăn uống... bệnh sẽ trở nên nặng hơn, khó chữa.
Nguy cơ tàn phế
Viêm cột sống dính khớp thường xảy ra ở người trẻ. Đã có trường hợp phải khép lại cánh cửa tương lai vì tàn phế do không tiếp tục điều trị. Ngay khi phát hiện bị viêm khớp gối, đau lưng, Đ.Đ.T. (TP.HCM) đã đến bệnh viện (BV) khám và dùng thuốc. Song, trong suốt thời gian gần 10 năm du học tại Úc, T. không đi khám bệnh, chỉ dùng thuốc khi bị đau nhức. Khi trở về nước, ở độ tuổi 30 thì xương sống, khớp gối bị viêm nặng, đi đứng khập khiễng, làm việc khó khăn. Bác sĩ (BS) Thái Thị Hồng Ánh - BV FV TP.HCM cho biết: “Những trường hợp tương tự xảy ra khá nhiều ở Việt Nam, có không ít trường hợp cha mẹ còn tự cho con dùng thuốc giảm đau, kháng viêm gây cứng và dính khớp, điều trị hiệu quả thấp”.
Theo các BS, nếu thấy cơ thể bị đau, đặc biệt là vùng thắt lưng, khớp gối tái đi tái lại trên hai tháng, bệnh nhân (BN) nên đến BS chuyên khoa cơ - xương - khớp để kiểm tra nhằm phòng tránh bị cứng khớp có thể gây tàn phế.
BS Thái thị Hồng Ánh khuyên: Không nên tự ý dùng các loại thuốc Nam vì hiện nay có nhiều loại cho thêm thuốc kháng viêm corticoid rất dễ gây tác dụng phụ: hội chứng Cushing, mập phì, mặt tròn, da mặt ửng đỏ, cơ tứ chi teo, hoạt động nhanh bị mệt, da mỏng, dễ bị bầm, chậm lành sẹo sau tổn thương, dễ bị nấm da... Ngoài ra, BN còn có thể gặp các biểu hiện khác như: tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày. Tự dùng thuốc kháng viêm còn gây tác dụng phụ nguy hiểm có thể tử vong.
Loét dạ dày vì thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau càng “mạnh” ảnh hưởng đến đường tiêu hóa càng nhiều vì thuốc ức chế chất bảo vệ dạ dày nên dễ dàng gây viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày - tá tràng. Trong khi BN trẻ tuổi dễ dàng nhận biết những cơn đau dạ dày, xót ruột để ngưng thuốc thì có đến 25% BN trên 65 tuổi không hề có dấu hiệu báo trước, mà bất ngờ bị ói ra máu, đi tiêu phân đen. Khi uống thuốc không theo chỉ định, còn có thể bị viêm và suy thận. Việc điều trị suy thận vừa tốn kém, mất thời gian, sức khỏe mà người vẫn suy kiệt dần, tuổi thọ giảm nhiều.
BS Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Nội soi tiêu hóa can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày trung bình BV tiếp nhận, điều trị vài ca bị loét, xuất huyết tiêu hóa do dùng thuốc kháng viêm trị đau khớp. Thuốc dạng uống hay tiêm chích đều ảnh hưởng xấu đến bao tử. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của BS”.
Chủ quan không tái khám
Một BN nam bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Sau điều trị, sức khỏe BN tiến triển tốt. Lẽ ra, BN nên tái khám định kỳ nhưng anh lại cho rằng không cần thiết. Bệnh để anh yên, sống vui, sống khỏe trong năm năm, sang năm thứ sáu, bệnh quay trở lại, dữ dội hơn. Chỉ trong vòng hai tháng, người anh gầy rộc, một chân sưng to, đi đứng khó khăn. BN tử vong sau đó hai tháng.
Đối với BN ung thư, sau điều trị cần phải theo dõi nghiêm ngặt. Theo BS Nguyễn Chấn Hùng, BN ung thư sau điều trị dù bệnh có ổn thì cũng phải theo dõi tái phát. Việc này rất quan trọng, bởi khi trỗi dậy trở lại, bệnh có thể “dữ” hơn.
Phương Nam
bệnh do chủ quan, bệnh nặng do không tái khám, có nên đi tái khám bệnh