Sống khỏe

Kỳ 5: Mẹ không kiểm soát đường huyết, con dễ bị dị tật

PN - Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh gây ảnh hưởng lớn đến mẹ và thai nhi, tác hại không chỉ ở bản thân người mẹ mà còn gây hậu quả không nhỏ

Nhiều bệnh lý liên quan

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ, đái tháo đường (ĐTĐ) có thể liên quan đến thai kỳ theo hai kiểu. Bệnh nhân (BN) ĐTĐ trước khi có thai, có thể gọi là ĐTĐ trước thai kỳ. ĐTĐ được phát hiện và chẩn đoán trong lúc có thai, gọi là ĐTĐ thai kỳ hoặc đúng hơn là ĐTĐ trong thai kỳ. ĐTĐ dễ xuất hiện khi mang thai là do nội tiết thai kỳ gây đề kháng với insulin. Vì vậy, cần sàng lọc ĐTĐ thai kỳ, nhất là vào tuần lễ 24-28.

Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai. Những yếu tố tác động lên phôi thai ở giai đoạn này dễ gây dị tật bẩm sinh.

ĐTĐ làm tổn thương tưới máu tử cung, nhau đáng kể; thêm vào đó, cấu trúc của nhau tự điều chỉnh với bệnh ĐTĐ, gai nhau lớn hơn và khoảng liên gai nhau nhỏ đi nên lưu lượng máu qua thai bị giảm.

Các dị dạng thai nhi dễ gặp nhất có liên hệ đến mức đường huyết là bệnh lý ống thần kinh, biến chứng thận, tim mạch, thường xuất hiện trong vòng bảy tuần sau khi thụ thai.

Thai to trên 4.000g hoặc thai kém phát triển, thường được cho là có liên quan đến tiểu đường. Lý do là đường huyết tăng cao của mẹ và các chất dinh dưỡng truyền qua nhau đến thai làm tụy của thai nhi phì đại tăng sinh và tiết nhiều insulin. Thai nhi sẽ tăng đồng hóa và mô mỡ phì đại dẫn đến tình trạng thai to.

Nếu đường huyết tăng trong thời gian phát triển phôi, tỷ lệ sẩy thai tự nhiên cũng cao. ĐTĐ có nguy cơ gây tăng huyết áp cho thai phụ, có khả năng gây biến chứng trên thận gây nước tiểu có đạm, hậu quả là tiền sản giật và sản giật.

Tuân thủ hướng dẫn ổn định đường huyết

BN ĐTĐ cần phải ổn định đường huyết thật tốt trước khi quyết định mang thai. Cần đánh giá các biến chứng do ĐTĐ gây ra. Bổ sung axít folic 1mg mỗi ngày. Cần luyện tập, tự theo dõi đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều thai phụ giữ được mức đường huyết ổn định sau khi ăn uống đúng cách và luyện tập đều đặn. Nếu BN không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần sẽ phải dùng đến insulin để điều trị.

Những thai phụ có đường huyết ổn định có thể sinh vào tuần lễ thứ 40, trừ khi có các vấn đề phụ khoa hoặc đe dọa sinh con to. Ở các thai phụ có đường huyết không ổn định, nếu tình trạng sức khỏe thai nhi không bị đe dọa, nên cân nhắc trì hoãn đến tuần lễ thứ 38-41. Nếu quyết định cho thai sớm trước tuần lễ thứ 37, cần phải kiểm tra sự trưởng thành phôi thai. Trẻ non tháng có thể bị suy hô hấp cấp. Trẻ đủ tháng thì có nguy cơ hạ đường huyết, hạ canxi huyết, rối loạn chuyển hóa.

Những người bị ĐTĐ trước mang thai cần kiểm soát đường huyết tốt và chuẩn bị sức khỏe ổn định cho việc mang thai.

Những người không có ĐTĐ: khi mang thai hạn chế tăng cân quá nhiều, hạn chế ăn ngọt nhiều. Nên khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm đầy đủ, đặc biệt là test dung nạp đường. Nếu phát hiện ĐTĐ thai kỳ cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.

 THIÊN NGA

www.phunuonline.com.vn

thai phụ, đái tháo đường, đường huyết


© 2021 FAP
  460,142       1/465