Tiêu dùng

Làn sóng “nói không với hàng Trung Quốc”

PNO - Liên tục tiếng hỏi “hàng Trung Quốc (TQ) hay hàng Việt Nam?” từ phía chủ hàng.

Nhiều tiểu thương chỉ bán rau củ trong nước (nguồn internet)

Chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), 5g sáng ngày 13/5, nhiều xe ba gác kéo của tiểu thương các chợ lẻ đang vào lấy các loại rau, củ về bán lẻ. Liên tục tiếng hỏi “hàng Trung Quốc (TQ) hay hàng Việt Nam?” từ phía chủ hàng. Theo đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn hàng hóa nhập về chợ, trong đó đến 96% là hàng Việt.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Tam Bình lý giải: nông sản TQ nhập về chợ đã giảm rất nhiều do sức tiêu thụ tại các chợ lẻ giảm, người tiêu dùng có tâm lý đề phòng.

Không chỉ mặt hàng rau củ quả, nông sản thực phẩm, người tiêu dùng còn ngại dùng các loại hàng thời trang, gia dụng có nguồn gốc TQ vì e ngại chất lượng không đảm bảo. Tại quầy giày dép nữ trong chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), chỉ số giày dép bằng xốp, nhựa, chị bán hàng cho biết “đó là hàng TQ, còn lại là hàng Việt Nam. Giày dép mình cũng đa dạng lắm, không lấy hàng TQ nhiều nữa. Có lấy về cũng bị tồn vì bán rất chậm”. 

Tại trung tâm thương mại Taka (Q.1, TP.HCM), chị Thu Thủy (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Tôi chọn mua quần áo giày dép Việt Nam có thương hiệu rõ ràng cho cả nhà dùng. Hàng “made in China” hoặc không rõ nguồn gốc là tôi loại ngay. Ai mà biết chất lượng thế nào…”. Chị Thy (Q.Bình Tân) kể: con gái của chị mới năm tuổi, chưa biết đọc nhưng thấy đồ chơi có in chữ TQ là nói ngay “đồ chơi này nguy hiểm, không được chơi mẹ nhỉ”.

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ

Tại Hà Nội, làn sóng “nói không với hàng TQ” cũng lan rộng trong những ngày qua. Tại chợ Hà Đông, mặt hàng hoa quả TQ ngày càng ế ẩm. Bà Nguyễn Hòa, một tiểu thương, tiết lộ: “Mấy hôm nay tuyệt không có người hỏi mua hoa quả TQ”. Tương tự, tại các chợ Thành Công, Ngọc Hà, Cầu Giấy, hầu hết các mặt hàng hoa quả có xuất xứ từ TQ dễ nhận biết như nho, táo, lê, dưa lưới… đều bị chê. Ông Nguyễn Văn Phúc - chủ cửa hàng điện thoại di động ở Ngã Tư Sở (Đống Đa) cho biết: “Điện thoại TQ phân phối tại Việt Nam có một số dòng trước đây bán khá chạy, được quảng cáo rất mạnh nhưng thời gian này gần như không có người hỏi mua”.

Chị Võ Thị Thương, quản lý shop thời trang Jean Zio (610 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định) khẳng định: “Tôi không bán hàng TQ bởi chất lượng kém không tốt cho người tiêu dùng. Hàng TQ mẫu mã đẹp, giá bèo nhưng chất lượng không tốt, có sản phẩm nguy hại...”.

Tạp hóa Nhiệm (đường Ngô Gia Tự, TX An Nhơn, Bình Định), một đại lý lớn kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, chăn, gối, nệm... cũng khẳng định họ đã từ chối hàng TQ. Theo một số tiểu thương buôn bán tại chợ P.Bình Định (TX An Nhơn), trước đây hầu hết các tiểu thương đều có mối lấy hàng TQ nhưng gần đây đều đã chuyển sang lấy hàng của các cơ sở sản xuất, gia công trong nước, có in xuất xứ rõ ràng.

Nhóm PV-CTV

www.phunuonline.com.vn

tẩy chay hàng Trung Quốc, chợ đầu mối nông sảnTam Bình


© 2021 FAP
  249,058       18/910