PN - Một cuộc điều tra mới đây cho thấy, sáu trẻ em tại Anh và hơn 16 trường hợp khác tại Mỹ và Canada đã bị tử vong vì không sử dụng túi địu trẻ đúng cách.
Thiếu thông tin sản phẩm
Tại các hệ thống siêu thị, có nhiều loại túi địu từ bình dân đến cao cấp, sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Thực tế, rất ít sản phẩm (SP) có hướng dẫn chi tiết.
Túi địu Baby Top có giá 161.000đ/SP, trên bao bì không hề có dòng lưu ý và hướng dẫn sử dụng. Thông tin về SP chỉ chung chung như “vải hút hơi ẩm, phần đầu túi có thể được điều chỉnh lên xuống, dây đai có thể co giãn tùy ý… an toàn, chú ý khi đóng khóa cài”… Túi địu Sita được nhiều người lựa chọn vì SP có nhiều màu sắc, chất liệu lưới 3D đẹp, thông thoáng. Tuy nhiên, SP này cũng có ít thông tin hướng dẫn. Dòng SP địu lưới 3D “ba trong một”, ngoài thông tin: dành cho bé từ 3 - 18 tháng, cân nặng từ 5 - 15kg, phần còn lại chỉ quảng cáo về tiện nghi, thành phần, nguyên liệu… Dòng SP dành cho bé từ 3 - 12 tháng, cân nặng từ 5 - 12kg; dòng SP dành cho bé từ 8 - 24 tháng, cân nặng 8 - 18kg có thêm hình vẽ năm bước hướng dẫn. Nhưng chỉ nhìn vào đó, khách hàng không biết điều chỉnh dây trong khoảng nào là vừa và an toàn cho bé. Chị Nguyễn Thủy, Q.Gò Vấp, cho biết, chị từng mua địu khi con chị bốn tháng tuổi, nhưng rất khó đeo vì dây nhợ chằng chịt, túi lại không giữ cố định làm bé bị lắc lư.
Tương tự, SP Jìa Dìng giá 162.000đ lưu ý: “kiểm tra kỹ chốt khóa và dây đai trước khi địu. Địu đi bộ từ 4 - 18 tháng…”; SP của cơ sở Anh Khoa chỉ ghi “dành cho bé dưới 30 tháng tuổi”.
Nhiều cửa hàng bán đồ cho bé, SP chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan với giá vài triệu đồng/SP, nhưng nhãn phụ rất ít thông tin. Tại một cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng (Q.1), chúng tôi nhận thấy, nhãn phụ trên SP của dòng Combi chỉ ghi “địu ba cách, tuổi sử dụng từ 3 - 36 tháng”, còn lại khách phải nhìn vào hình để làm theo. Một nhân viên bán hàng tại đây cho biết, sử dụng rất dễ, chỉ cần đeo dây vào cổ, mở khóa đặt em bé vào rồi gài khóa.
Các SP có nguồn gốc từ Trung Quốc có giá từ vài chục đến hai trăm ngàn đồng, nguyên liệu làm bằng vải thô, vải kaki có thể khiến trẻ bị bí, đổ nhiều mồ hôi khi ngồi quá lâu; đường may không bắt mắt và độ an toàn không cao. Một số SP có miếng lót đỡ đầu rất mỏng, bé có thể bị nghiêng và lệch đầu bất cứ lúc nào. Mặt khác, thanh khóa khi bấm vào không chắc chắn, một số SP có khóa sơ sài đến mức chỉ cần những tác động nhẹ là thanh khóa đã bung ra. Nhiều SP có phần đỡ lưng không đệm mút dày, không giữ lưng bé thẳng đứng một cách thoải mái. Dây đai và dây đeo bảo vệ của SP cũng không chắc chắn, thậm chí một số SP, dây đai chỉ may bằng vải nhưng lại không có khuyến cáo dùng cho trẻ bao nhiêu ký. Anh Đăng Khoa, Q.3, cho biết, anh mua địu gần 200.000đ, khi kiểm tra dây kéo, khóa, anh cảm thấy an toàn, chắc chắn, nhưng chỉ sau ba tuần sử dụng, khóa lỏng, anh phải thay khóa với giá 100.000đ.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia về túi địu trẻ - Ảnh: Phùng Huy
Nguy cơ gây chết đột ngột ở trẻ
Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu của nước ngoài (Úc, Anh, Scotland, Mỹ…) đưa ra kết luận: một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến “Hội chứng trẻ chết đột ngột” có liên quan đến túi địu trẻ. BS Phan Văn Tiếp - Trưởng khoa Nhi, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết: “Những cái chết đột ngột ở trẻ được xác định do nguyên nhân cơ học tác động trong quá trình người lớn sử dụng địu”. Theo BS Tiếp, phần lớn phụ huynh ít quan tâm đến kỹ thuật khi mua túi địu. Nếu chọn SP không phù hợp với lứa tuổi, trọng lượng của trẻ, rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị lọt thỏm xuống sâu dưới túi; khi người lớn mang trẻ sau lưng mà trong tư thế cúi khom sẽ ép bụng trẻ, khiến trẻ bị ngộp thở. Ngay cả khi địu trẻ trước ngực, nếu không lưu ý, trẻ bị úp mặt vào ngực mẹ cũng rất dễ bị ngộp thở, chưa kể trẻ còn bị trầy xước ngực, mặt, mắt, mũi… khi bị chà xát vào nút áo của người địu trẻ. “Người địu trẻ thường không cảm nhận được những bất thường ở trẻ, nhất là khi mang sau lưng hay mãi lo làm việc, chạy xe… vì vậy càng nên cẩn trọng khi sử dụng túi địu trẻ”, BS Tiếp lưu ý.
BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cảnh báo: “Tư thế địu trẻ ở phía trước sẽ ép bé vào người địu. Nếu lỏng thì sợ bé té, nếu chặt sẽ làm siết ngực và bụng của bé gây ngạt thở”.
Mỗi cách địu phải phụ thuộc vào số tháng của trẻ như: địu ngang từ 0 - 4 tháng tuổi, địu thẳng đứng phía trước bé úp mặt vào trong từ 4 - 24 tháng, địu thẳng đứng phía trước bé quay mặt ra ngoài từ 12 - 24 tháng, địu sau lưng từ 12 - 30 tháng. Đồng thời, việc điều chỉnh dây tăng đơ lỏng, chặt phù hợp với trọng lượng của trẻ cũng rất quan trọng. BS Tiếp lưu ý, mang túi địu phải vừa với trẻ, địu phải ôm mông, túi địu không được sâu quá vì trẻ sẽ bị phần trên của địu chèn đầu, cọ xát mặt. Đặc biệt, nên lưu ý tránh “hội chứng đu đưa” khi đầu cổ trẻ quá yếu, trẻ sẽ có nguy cơ trật khớp cổ, gãy đốt sống cổ, gây ngừng thở bất cứ lúc nào.
Chưa có tiêu chuẩn quốc gia
Dù túi địu có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trẻ nhưng hiện nay không có tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam áp dụng cho nhóm SP này. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM, cho biết: túi địu không nằm trong nhóm quản lý SP dành cho trẻ và hiện chưa có quy chuẩn bắt buộc; đơn vị sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng theo điều kiện, năng lực sản xuất, chất lượng SP… và công bố tiêu chuẩn áp dụng. “Tuy vậy, SP chưa có tiêu chuẩn quốc gia không có nghĩa là không kiểm tra, quản lý. Thông thường, khi kiểm tra, nếu doanh nghiệp (DN) không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ xử lý sai phạm này. Cơ quan quản lý chỉ kiểm tra theo thông tin SP được công bố của DN chứ không có quy chuẩn bắt buộc để làm cơ sở đối chiếu, đánh giá”, bà Nga nói.
Nguyễn Cẩm - Hoa Lài
địu trẻ, dụng cụ địu trẻ có an toàn, chất lượng túi địu trẻ