PN - Sau bài viết Lập lờ nhãn hàng hóa trên Báo Phụ Nữ ngày 28/3, phản ánh tình trạng nhiều sản phẩm (SP) hóa mỹ phẩm sản xuất, phân phối tại Việt Nam
Siêu thị đã cho xuống hàng những sản phẩm nội, nhãn hàng ngoại và nhà sản xuất cũng hứa sẽ khắc phục. Ảnh Hà-Cẩm
Ghi nhận tại siêu thị Big C cho thấy, trên kệ hàng không còn bày bán SP dầu gội đầu Olive Romantic và dán thông báo “tạm ngưng hàng…”. Đại diện Big C khẳng định: “Khi nào nhà cung cấp hoàn tất việc thay đổi nhãn hàng hóa theo đúng quy định pháp luật, Big C sẽ xem xét việc bán trở lại”. Đại diện Công ty (CT) cổ phần đầu tư An Phong - hệ thống Maximark cho biết, đã yêu cầu nhà cung cấp phải giải trình, đồng thời sẽ thu hồi hàng hóa.
Về phía các đơn vị sản xuất, cung cấp, hầu hết thừa nhận, nếu chiếu theo NĐ 89-2006/NĐ-CP thì họ có sai sót trong việc ghi nhãn hàng hóa. Ông Phan Mạnh Cường - Giám đốc, đại diện pháp luật của CT TNHH dịch vụ thương mại Phan Thị cho biết, sẽ khắc phục thiếu sót bằng cách dùng nhãn hàng hóa tạm thời bằng tiếng Việt, in trực tiếp mã code, mã vạch của CT, nhãn có kích thước theo đúng quy định của Nghị Định 89 để dán lên các SP hiện đang lưu hành trên thị trường. Sau đó, sẽ tiến hành thay đổi nhãn hàng hóa đối với tất cả các SP của CT hiện đang tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, dự tính hoàn tất trong vòng hai tháng.
Đại diện CT TNHH Gia Đoàn cam kết thay đổi mẫu tem thành tiếng Việt cho tất cả những SP do CT sản xuất. CT Gia Đoàn giải thích, vì muốn quảng bá rộng rãi SP của CT đến khách hàng nước ngoài cũng như tạo tiền đề để xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác nên CT đã thiết kế tem SP bằng tiếng Anh và dán tem phụ tiếng Việt, không biết làm như vậy là sai quy định về cách ghi nhãn hàng hóa trên SP.
CT MTV Khang Hưng cho biết: “Thông tin trên bao bì của SP sữa tắm bằng tiếng Anh là do sai sót phía nhà in đã lấy nhầm nội dung. Do kinh phí in ấn nhiều nên CT phải dán nhãn nội dung tiếng Việt che phần nội dung tiếng Anh về xuất xứ, các tiêu chuẩn…”. Hiện CT đang tiến hành in lại bao bì mới cho phù hợp với các quy định của pháp luật.Tương tự, bà Lê Anh Xuân - GĐ CT TNHH Đỉnh Phú Thịnh, cho biết, dòng kem hấp tóc phục hồi nhãn hiệu Ceorali Hair Nutrient (Aroma & Rapid Repair) vốn được sản xuất với mục đích xuất khẩu, do lỡ làm bao bì quá số lượng nên CT đã tận dụng.
Trường hợp của CT mỹ phẩm dược quốc tế Interco, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
An Hà - Nguyễn Cẩm
Lập lờ nhãn hàng, hàng nội mác ngoại, hàng nội nhãn ngoại, hàng nội nhưng toàn tiếng nước ngoài