Tiêu dùng

Lập lờ nhãn hàng hóa

PN - Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nội nhưng được ghi nhãn như hàng ngoại nhập với nhãn chính toàn tiếng nước ngoài kèm theo nhãn phụ tiếng Việt,

Mấy ai nhìn thì biết ngay đây là hàng Việt Nam ?

 Hàng nội mác ngoại

Tại cửa hàng Guardian (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), cầm một hộp kem hấp tóc phục hồi với dòng nhãn hiệu Ceorali Hair Nutrient (Aroma & Rapid Repair), chị Hoa (ngụ Q.3, TP.HCM) ngạc nhiên vì thấy hàng ngoại mà có giá rất mềm, 950gr nhưng chưa đến 30.000đ. Toàn bộ thông tin in trên nhãn sản phẩm (SP) cả mặt trước lẫn mặt sau đều bằng tiếng Anh. Ai ngờ phần bên hông có thêm một nhãn phụ bằng giấy dán chồng lên, trên đó thể hiện tên, công dụng, thành phần, cách sử dụng của sản phẩm (SP) và đơn vị sản xuất là Công ty (CT) TNHH Đỉnh Phú Thịnh (đường số 7, P.An Bình, KCN Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa, Đồng Nai).

Tương tự, chị Vân (ngụ Q.10, TP.HCM) rất bức xúc khi mua phải SP dầu gội Olive Romantic, tưởng là SP ngoại nhập vì trên nhãn SP toàn chữ Hàn và tiếng Anh, có ghi “Product by Phan Thi Trade Company”. Khi về đọc kỹ, đối chiếu với nhãn phụ tiếng Việt chị mới thấy “Nhà sản xuất và cung cấp: CT TNHH dịch vụ thương mại Phan Thị, P.Khâm Thiên, Hà Nội”. Khảo sát, chúng tôi nhận thấy SP này có bán tại nhiều siêu thị như Big C, Co.opMart, Maximark… Liên hệ với siêu thị để làm rõ, đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết: “Để không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng (NTD), Co.opMart buộc nhà cung cấp Phan Thị dán trên mỗi SP một tem nhãn kích cỡ lớn ghi rõ xuất xứ sản xuất tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu nhà cung cấp thay đổi nhãn mác theo đúng quy định trước ngày 28/3/2014”.

Tại siêu thị Maximark 3/2, loạt SP dầu gội, sữa tắm mang nhãn hiệu “The Secret of DOAN” chiếm gần 1/5 kệ hàng với các SP mang tên tiếng Anh như: Refreshing Goat’s milk Cream bath, Leelavadee shower cream… SP đủ các trọng lượng khác nhau, từ 250gr đến 1.200gr, giá từ 17.000-63.000đ/chai. Đọc trên nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt mới biết SP do CT TNHH Gia Đoàn (821A Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM) sản xuất và phân phối.

Mặt hàng sữa tắm mới thật sự là “lãnh địa” của những SP Việt Nam giả dạng hàng ngoại, được bày bán ở khắp nơi. Thương hiệu gần đây được quảng cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng The Bol của CT TNHH SX&TM tổng hợp Việt My (101/35 Gò Dầu, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng nằm trong danh sách này. Một loạt các sản phẩm Việt mang mác ngoại có thể kể như: Gap New York Shower Gel, Opal New York Shower, For Men New York Shower của CT mỹ phẩm dược quốc tế Interco (89 Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Romantic Gel của CT Phan Thị (nhà 7, ngách 49, ngõ 1, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội); Goat’s milk & Rose Hip Unicorn, Unicorn Spa Moist Shower của CT MTV Khang Hưng (58 đường số 8, P.4, Q.8, TP.HCM);… Whitening/Collagen/Aloe vera/Ginseng Skin care Mask,… của CT Xuân Lan 727 (369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM); Sollina Whitening Skin Water Mask của CT Mỹ Diên (26 Trần Xuân Hòa, Q.5, TP.HCM)…

SP mặt nạ Hoamis collagen essence còn có sự bất nhất về đơn vị sản xuất giữa thông tin trên bao bì với nhãn phụ. Thông tin chính trên bao bì cho biết SP được sản xuất bởi CT Hoa Mai Hàn (manufacetured by HMH Co., LTD, 11/8 Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) song trên nhãn phụ lại cho biết JM Standard Test Method – Korea mới là nhà sản xuất, Hoa Mai Hàn chỉ là nhà nhập khẩu!

Sẽ truy nhà sản xuất

Không chỉ lập lờ, gây hiểu lầm cho NTD, cách ghi nhãn hàng hóa như trên của các doanh nghiệp còn sai quy định, cụ thể là Nghị định (NĐ) 89/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Điều 9 của NĐ này nêu rõ: 1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt. 2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

Ông Dương Thanh Hoàng – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (CC QLTT) TP.HCM khẳng định, SP sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ thông tin trên nhãn mác bằng tiếng Việt. Ngay cả SP sản xuất tại Việt Nam mà xuất khẩu thì nội dung nhãn chính cũng phải ghi tiếng Việt, kèm theo nhãn phụ là thông tin theo ngôn ngữ nước nhập khẩu. “Chúng tôi kiểm tra, phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định, cả trách nhiệm nhà sản xuất và đơn vị phân phối”.

Theo mục 3, điều 25 NĐ 80/2013 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng SP hàng hóa thì mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh SP, hàng hóa được căn cứ theo trị giá hàng hóa – phạt tiền từ 300.000đ đến 10 triệu đồng với trị giá hàng hóa từ trên 5 – 100 triệu đồng; còn với trị giá hàng hóa dưới năm triệu đồng, mức phạt chỉ từ 100.000 – 300.000đ. Đồng thời, buộc thu hồi SP, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định. Mức phạt trên rõ ràng là chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp vẫn lập lờ. Ông Hoàng cho biết, sẽ kiểm tra, xử lý đơn vị kinh doanh nếu không chấp hành đúng quy định. Tiếp đến, sẽ truy nhà sản xuất ở địa bàn nào để phối hợp với QLTT địa phương kiểm tra, xử lý. Cần thiết, sẽ gửi mẫu SP giám định chất lượng, nếu SP không đạt chất lượng sẽ tiêu hủy. Các vi phạm về chất lượng SP thường rơi vào nhóm hàng hóa mỹ phẩm nên NTD phải cẩn thận khi chọn mua SP.

Qua các vụ việc kiểm tra, CC QLTT TP.HCM từng phát hiện rất nhiều vi phạm về nhãn SP nhưng phần lớn là hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định; nhãn hàng hóa, nhãn phụ ghi không đủ nội dung bắt buộc. Còn hình thức hàng Việt Nam dán nhãn nước ngoài lập lờ lừa NTD kiểu như trên là khá mới. Trong quý 1/2014, CC QLTT TP.HCM đã phát hiện 207 vụ vi phạm liên quan nhãn hàng hóa với 1,38 triệu đơn vị SP và 1.369 tấn hàng hóa.

 An Hà – Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

Lập lờ nhãn hàng hóa


© 2021 FAP
  326,220       1/1,186