Tiêu dùng

Liệu có thể lập lại trật tự thị trường gas?

PN - Nhiều cửa hàng gas trên địa bàn TP.HCM đang giữ chân khách hàng bằng đủ cách, trong đó có cả “dằn mặt” đối thủ cạnh tranh theo kiểu giang hồ.

Theo công văn 290 về việc xác định lại hình thức phân phối và thiết lập, đăng ký hệ thống phân phối kinh doanh gas do Sở Công thương TP.HCM vừa ban hành, sau ngày 31/3, khoảng 1.000 cửa hàng kinh doanh gas ở dạng hộ cá thể buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp. Nếu không, họ chỉ được ký hợp đồng mua gas với một tổng đại lý, thay vì ba đơn vị như trước đây. Đồng thời, những hộ kinh doanh này sẽ không được ký hợp đồng trực tiếp với thương nhân đầu mối. Có nghĩa là, nếu không thành lập doanh nghiệp, cửa hàng gas thuộc dạng hộ cá thể sẽ bị hạn chế nguồn hàng nhập vào cũng như sản phẩm bán ra.

Theo nhiều doanh nghiệp, văn bản 290 về quản lý kinh doanh gas đã bộc lộ nhiều bất cập - Ảnh mang tính minh họa: Phùng Huy

Bị dọa “xử”

Chị Trần Ngọc Cúc, chủ cửa hàng gas Phương (đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM) kể: cách đây vài ngày, một khách hàng nữ gọi điện thoại đến cửa hàng của chị, yêu cầu chở gas đến một địa chỉ trên đường Tỉnh Lộ 10, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, khi nhân viên giao gas đến nơi thì biết được, người gọi gas là chủ một cửa hàng cũng kinh doanh gas ở khu vực xã Phạm Văn Hai. Anh này bị dọa rằng không được giao ở khu vực này, nếu không sẽ bị “xử”. “Tôi không giành khách của họ. Chẳng lẽ khách gọi tôi lại từ chối?”, chị Cúc bức xúc.

Tương tự, chủ một cửa hàng trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) cũng bị hù dọa khi giao gas đến xã Phạm Văn Hai.

Khi công văn 290 vừa ra đời, nhiều cửa hàng kinh doanh gas đã phản ứng, cho rằng văn bản này khiến người tiêu dùng “bỏ đi” khi không thể lựa chọn nhãn hiệu gas ưa thích, và dễ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý. Khi ấy, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, mục đích của công văn 290 là lập lại trật tự cho thị trường gas, không làm khó đối tượng kinh doanh nào, trong đó có cả hộ kinh doanh cá thể. “Mối mang của ai thì cứ giao, không có gì là cạnh tranh không lành mạnh”. Bên cạnh đó, ông Đông khẳng định, thị trường gas không có gì thay đổi kể cả sau thời điểm 31/3 và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường, Sở Công thương TP.HCM, hiện cơ quan này mới ghi nhận khoảng vài chục cửa hàng tiến hành làm thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Như vậy, số cửa hàng nhỏ sẽ vẫn còn nhiều, họ sẽ bị siết chặt việc mua bán từ tháng tới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng dùng mọi cách để giữ khách hàng, kể cả việc đe dọa những đại lý khác.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Ngoài tình trạng trên, quy định của công văn 290 thực tế tuy không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những doanh nghiệp đang phân phối theo hình thức qua khâu trung gian, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đối với những doanh nghiệp phân phối trực tiếp đến các cửa hàng. Bởi, họ phải thiết lập lại hệ thống phân phối. Điều này không hề dễ dàng và có thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Theo ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hồng Mộc (H gas), Hồng Mộc ký hợp đồng với 600 cửa hàng gas là các hộ kinh doanh cá thể, giao gas trực tiếp cho họ. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 tới, Hồng Mộc sẽ phải hủy hầu hết số hợp đồng này bởi các cửa hàng thuộc dạng cá thể không được ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp đầu mối.

Vấn đề chuyển từ kênh phân phối trực tiếp sang trung gian khiến giá gas đội lên từng được nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas nêu ý kiến. Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Gas Việt Nam đã phản bác, cho rằng việc sắp xếp lại kênh phân phối chỉ ảnh hưởng đến giá nội bộ trong hệ thống, không ảnh hưởng đến giá bán lẻ trên thị trường, bởi giá gas được đăng ký với cơ quan chức năng. Thực tế không hẳn vậy, nếu chi phí đầu vào thấp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đăng ký giá ở mức thấp hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù tất cả nhãn hiệu gas đều niêm yết giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng, song không ít nhãn hiệu được cửa hàng bán thấp hơn giá đề xuất của doanh nghiệp. Chẳng hạn như nhãn hiệu TTA Gas của Công ty Thành Tài, hiện giá đề xuất đối với bình gas 12kg (loại bọc nhựa) của Thành Tài là 428.000đ. Tuy nhiên, hầu như đại lý nào cũng bán lẻ với giá thấp hơn giá niêm yết khoảng 10.000đ/bình 12kg do đơn vị này phân phối trực tiếp xuống từng cửa hàng với mức chiết khấu hợp lý.

Hay như Thủ Đức gas chỉ được bán ở mức giá 365.000 – 370.000đ/bình 12kg, trong khi đó giá bán lẻ do Công ty Gas Thủ Đức đề xuất ở mức 399.000đ. Ngoài ra, còn có những nhãn hiệu khác như Vimexco gas, gas Pacific, H gas… cũng được nhiều đại lý bán ra thấp hơn mức đề xuất của doanh nghiệp từ 10.000 – 20.000đ/bình 12kg.

Như vậy, nếu áp dụng công văn 290, phải phân phối qua tổng đại lý, rồi tổng đại lý giao xuống cửa hàng, nhìn ở góc độ niêm yết giá thì giá gas không hề tăng, song thực tế người tiêu dùng vẫn không được mua gas giá rẻ.

 Ca Hảo 

Vẫn chưa “nhổ cỏ tận gốc”

Theo ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, công văn 290 gây xáo trộn thị trường gas thời gian đầu là điều khó tránh khỏi nhưng là cần thiết để thay đổi và đưa hệ thống phân phối gas đi vào ổn định. Tuy nhiên, theo ông Loan, quy định này có lập được trật tự cho thị trường gas hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Bởi khi bị “siết” sau ngày 31/3, gần 1.000 cửa hàng sẽ cạnh tranh rất quyết liệt. Trong khi đó, chế tài xử lý đi kèm cũng chưa cụ thể. Do đó, việc kiểm tra, xử lý đối với gần 1.000 cửa hàng trên địa bàn TP.HCM sau ngày 31/3 là rất khó khăn cho cơ quan chức năng. Ông Loan thừa nhận: quy định này vẫn chưa nhổ cỏ tận gốc vấn nạn gian lận gas, cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm soát các đầu mối gas không rõ nguồn gốc cũng như các trạm chiết nạp lậu.

www.phunuonline.com.vn

ga, loạn giá gas, gas tăng giá, lập lại trật tự thị trường gas


© 2021 FAP
  326,319       2/1,164